Vì sao ô tô Việt chưa thể xuất khẩu?
Theo ông Shinjiro Kajikawa, Phó giám đốc Khối hoạch định chiến lược Toyota Việt Nam, quy mô thị trường Việt Nam vẫn nhỏ và tỉ lệ nội địa hóa thấp nên chi phí sản xuất xe đang cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN từ 10-20% (tính cả chi phí vận chuyển). Cụ thể, hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa trên sản phẩm xe du lịch tại Việt Nam chỉ khoảng 10%, trong khi tại Thái Lan là 85%, Indonesia 80%, Malaysia 75%.
“Do sản lượng thấp nên nếu Việt Nam có nội địa hóa các linh kiện thì giá thành cũng sẽ không rẻ hơn so với nhập khẩu linh kiện. Kết quả là, sản xuất xe trong nước sẽ có giá thành cao, bởi vì các doanh nghiệp phải dựa vào linh kiện nhập khẩu từ các nước ASEAN, phải trả chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu cho các linh kiện nhập khẩu này”, ông Shinjiro Kajikawa phân tích.
Việc ô tô Việt Nam đạt tỉ lệ nội địa hóa trên 40%, đủ điều kiện để miễn thuế khi xuất khẩu sang các nước trong khu vực cần phải xem xét thật kỹ cách tính tỉ lệ nội địa hóa của các nước. Tỉ lệ 40% kể trên phải được tính theo đúng quy định của ASEAN và phải được ASEAN công nhận.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.
Theo đại diện một hãng sản xuất lắp ráp ô tô lớn tại Việt Nam, hiện nay theo cách tính của ASEAN, tỉ lệ nội địa hóa của một mẫu xe sẽ được tính dựa trên giá trị của linh kiện trên giá trị tổng thể của một chiếc xe. Nếu theo cách tính này, hãng cũng đã có mẫu xe dưới 9 chỗ đạt tỉ lệ nội địa hóa trên 40% và cũng đã đặt ra mục tiêu xuất khẩu nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.
“Tỉ lệ nội địa hóa cần phải tăng cao nữa mới có thể hy vọng xuất khẩu được bởi trong khi tỉ lệ nội địa hóa tại Việt Nam trên 40% thì nước khác đã đạt từ 70 - 80%. Mình phải bằng như vậy mới có thể cạnh tranh được”, vị đại diện này chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nếu đạt được tỉ lệ nội địa hóa trên 40% và được ASEAN công nhận, ô tô Việt Nam hoàn toàn có thể tính tới việc xuất khẩu đi các nước trong khu vực để cạnh tranh: “Ví dụ như VinFast hiện đang rất muốn xuất khẩu ô tô, nếu đạt được các yêu cầu thì đó là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, có thể giúp tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập”.
Các hãng xe tại Việt Nam hiện nay đều muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và theo ông Doanh, cần phải có những cơ chế chính sách từ phía Nhà nước và sự nỗ lực từ chính doanh nghiệp muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Tăng cường nội địa hóa để hưởng ưu đãi
Việc tăng tỉ lệ nội địa hóa trên 40% để được hưởng thuế suất 0%, gia tăng xuất khẩu được coi là con đường tất yếu để các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam đủ sức cạnh tranh với ô tô trong khu vực.
Theo ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco): “Nội địa hóa là bài toán khó đối với doanh nghiệp ô tô, bởi cần bí quyết công nghệ và sản lượng lớn, trong khi dung lượng thị trường Việt Nam còn tương đối nhỏ. Tuy nhiên, chỉ khi gia tăng tỉ lệ nội địa hóa mới đảm bảo cho doanh nghiệp làm chủ sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm”.
Theo thông tin mới nhất từ Thaco, đến nay, các sản phẩm ô tô do Thaco sản xuất lắp ráp đã đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 15 - 25% đối với xe con, 35 - 45% đối với xe tải và 60% đối với xe buýt. Trong đó, xe buýt Thaco đã được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines và tiếp đến sẽ là thị trường Campuchia, Singapore và Đài Loan. Đối với xe du lịch, doanh nghiệp đang thực hiện kế hoạch xuất khẩu xe Kia Sedona sang thị trường Thái Lan và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm xe Mazda, Peugeot để xuất khẩu sang các nước ASEAN vào năm 2020.
Ngoài Thaco, Toyota Việt Nam (TMV) cũng đang đẩy mạnh việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Điều này thể hiện rõ nhất thông qua mẫu xe Toyota Vios 2018 ra mắt hồi tháng 8 vừa qua. Ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc TMV chia sẻ: “Trên Toyota Vios - mẫu xe CKD chiến lược của TMV, số lượng phụ tùng trong nước đã tăng gấp 3 lần so với thế hệ cũ, từ 51 phụ tùng lên 151 phụ tùng. Hiện tại, về số lượng nhà cung cấp, đã tăng lên 29 nhà cung cấp với trên 400 sản phẩm, trong đó có 4 nhà cung cấp Việt Nam”. Ngoài ra, mẫu xe Innova của Toyota hiện đang có tỉ lệ nội địa hóa cao nhất với trên 37%.
Từ năm 2018, TMV đã thành lập riêng một bộ phận chuyên trách hỗ trợ các nhà cung cấp, ưu tiên cho các nhà cung cấp Việt Nam, giúp họ cải tổ năng lực quản lý sản xuất, từ đó tăng hiệu suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chương trình này được TMV đánh giá là yếu tố tiên quyết để nâng cao tỉ lệ nội địa hóa.
Kể từ năm 2017, Hyundai Thành Công (HTC) cũng đã chuyển hẳn sang sản xuất, lắp ráp sản phẩm trong nước với tỉ lệ nội địa hóa đạt trung bình 12 - 14%. Mục tiêu của nhà sản xuất này đến năm 2019 đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% và trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm ô tô Hyundai trong khu vực.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc HTC cho biết, nhà máy ô tô Hyundai thứ 2 đang được gấp rút xây dựng không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu, trở thành trung tâm sản xuất của Hyundai trong khu vực Đông Nam Á. Cùng với đó, HTC cũng đã và đang nỗ lực mở rộng mạng lưới các doanh nghiệp phụ trợ nhằm cung cấp phụ tùng linh kiện, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Hiện tại Ninh Bình đã có hơn 20 doanh nghiệp xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô cung cấp cho sản xuất lắp ráp ô tô tại đây.
Trong khi đó, VinFast đang được coi là một nhân tố trong lĩnh vực công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Bên lề hội thảo về công nghiệp ô tô tại Việt Nam, ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách lĩnh vực ô tô - xe máy cho biết, mục tiêu của VinFast đặt ra trong dài hạn là tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 60% với ô tô và 100% với xe máy điện. “Ngay khi sản phẩm ra đời, tỷ lệ nội địa hóa của xe ô tô VinFast sẽ đạt 40% và có thể đạt tới 60% vào năm 2025”, ông Huệ cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận