Ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, song hiện các quy định quản lý dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa chưa chặt chẽ, dấy lên lo ngại về an toàn phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm. Nếu xảy ra tai nạn do những sai sót trong quá trình sửa chữa cũng không quy được trách nhiệm.
Mất tiền oan, thêm nỗi lo an toàn
Hiện pháp luật chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm với cơ sở bảo dưỡng nếu xe gây tai nạn do lỗi kỹ thuật của cơ sở bảo dưỡng. Ảnh: A.C.
Tháng 5/2023, anh Phạm Anh Tấn (trú quận Bình Tân, TP.HCM) là chủ xe Porsche Macan BKS 51F-966.58 đã gửi đơn trình báo đến các cơ quan chức năng đề nghị điều tra, xác minh về quy trình sửa chữa ô tô ở xưởng dịch vụ đại lý Porsche chính hãng.
Trước đó anh Tấn đưa chiếc Porsche Macan vào xưởng dịch vụ thay cản trước nhưng khi lấy xe ra sử dụng lại bị hỏng hộp số. Anh nghi vấn xưởng dịch vụ này tháo “đồ” trong chiếc xe của mình để test cho một chiếc xe khác dẫn đến hỏng động cơ.
Sau những tranh cãi giữa hai bên, nguyên nhân vẫn chưa sáng tỏ bởi việc lưu giữ xe và sửa chữa ra sao chỉ có xưởng dịch vụ biết. Hiện anh Tấn đã đâm đơn kiện ra toà.
Anh Lê Minh Hoàng (trú tại Hà Đông, Hà Nội) kể, chiếc Ford Focus đời 2018 của gia đình có lần bị quá nhiệt động cơ, buộc phải đưa xe vào sửa chữa tại một gara ô tô trên quốc lộ 1A.
Sau ít ngày sử dụng chiếc xe lặp lại bệnh cũ. Khi đưa xe vào đại lý chính hãng, kỹ thuật viên cho biết, gara sửa chữa trước đó làm quá tạm bợ khiến bị rò nước làm mát, dẫn tới quá nhiệt động cơ. Nếu không phát hiện sớm có thể hỏng động cơ khi đang lưu thông.
“Mất oan tiền sửa chữa là một chuyện. Cái lo nhất là sự an toàn của bản thân và gia đình”, anh Hoàng cho biết.
Thực tế còn nhiều vụ việc tương tự, thường xuyên được các chủ xe phản ánh như: nhân viên gara đổ nhầm dầu động cơ vào nước làm mát, nhân viên quên không siết chặt ốc xả dầu làm rò rỉ dầu động cơ. Thậm chí có trường hợp nhân viên lắp ngược má phanh khiến hệ thống phanh chết cứng…
Quy định chưa rõ, chế tài chưa đủ mạnh
Các xưởng dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng ô tô cần được rà soát thường xuyên về lưu trữ dữ liệu khách hàng, tăng cường hậu kiểm bởi cơ quan nhà nước.
Theo ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, ở các nước phát triển, việc quản lý an toàn kỹ thuật giữa hai kỳ đăng kiểm rất chặt, đặc biệt quy định pháp luật để quản lý dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa phương tiện.
Ở châu Âu, nếu chủ xe yêu cầu gara làm theo ý mình mà việc đó không đảm bảo an toàn (nới phanh, độ đèn còi sai quy định) hoặc không trung thực (tua công-tơ-mét) thì xưởng bảo dưỡng sửa chữa và thợ cơ khí sẽ từ chối ngay, dù được trả nhiều tiền. Bởi nếu làm sai thì trách nhiệm rất nặng, thậm chí có thể đi tù.
Mặt khác, cơ sở sửa chữa bảo dưỡng buộc phải lưu trữ đầy đủ thông tin phương tiện đã vào xưởng, định kỳ gửi thông tin tổng hợp cho cơ quan quản lý. Nếu cơ quan quản lý kiểm tra hậu kiểm, chủ xưởng phải chứng minh có đầy đủ hồ sơ thông tin về các hoạt động bảo dưỡng sửa chữa của mình.
Trong khi đó, tại Việt Nam, điều kiện cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô được quy định tại Nghị định 116/2017.
Theo đó, ngoài các quy định về mặt bằng, kho linh kiện, thiết bị đo lường, nội dung nghị định quy định: có đội ngũ nhân lực và hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng; có cam kết về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô….
Như vậy, rõ ràng đang có một khoảng trống pháp lý, nếu so với các quy định ở nhiều nước, như đã nêu ở trên.
Cần ràng buộc trách nhiệm pháp lý
Theo PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội), các nước Nhật Bản và Hàn Quốc đều dùng tiêu chuẩn bằng cấp của kỹ thuật viên làm một trong các tiêu chí để cấp phép hoạt động xưởng dịch vụ hay gara sửa chữa ô tô.
“Như ở ta muốn mở nhà thuốc, người chịu trách nhiệm phải có bằng dược sỹ, thì ở Nhật muốn mở xưởng dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa ô tô, người chịu trách nhiệm phải có bằng kỹ thuật ô tô chính thống. Chữ ký của kỹ thuật viên trên tờ phiếu cho phép xe rời xưởng rất quan trọng và là sự ràng buộc trách nhiệm pháp lý”, ông Phúc cho biết.
Theo ông Trần Hữu Minh, tại Việt Nam, đã đến lúc cần thiết kế một hệ thống dữ liệu để cung cấp đầy đủ các thông tin lịch sử phương tiện cho người dân, tăng cường quản lý chất lượng xe cũ, bảo đảm an toàn và quyền lợi của khách hàng. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý trong thời gian tới.
Để đạt được mục tiêu trên, cần ban hành các quy định nhằm tăng cường quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm.
Hiện pháp luật đang giao cho chủ phương tiện tự chịu trách nhiệm, trong khi chủ xe phần lớn không am hiểu kỹ thuật, lại giao xe cho một xưởng dịch vụ. Nếu xưởng dịch vụ cố tình can thiệp về mặt kỹ thuật, thay đổi thông số phương tiện thì sẽ khó quy trách nhiệm.
Bên cạnh đó, cần hình thành hệ dữ liệu phương tiện và chia sẻ dùng chung một cách phù hợp, chia sẻ những trường thông tin nhất định đối với các cơ quan tổ chức có liên quan.
Các tổ chức như bảo hiểm, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thông tin về phương tiện có thể mua dữ liệu đó, người dân khi có nhu cầu có thể trả lệ phí để có được thông tin phương tiện trước khi quyết định mua xe hay không.
Đặc biệt, cần bổ sung quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý chuyên ngành trong tiếp nhận thông tin phản hồi, khiếu nại của người dân và giải quyết kịp thời, thậm chí yêu cầu đóng cửa rút giấy phép những gara, xưởng dịch vụ ô tô không đảm bảo chất lượng.
Khoảng trống pháp lý trách nhiệm của cơ sở, thợ bảo dưỡng
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban kỹ thuật Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hiện quy định về cơ sở bảo hành bảo dưỡng trong Nghị định 116/2017 chỉ ở mức như là các điều kiện kinh doanh, được tiền kiểm bởi cơ quan nhà nước, trước khi cho doanh nghiệp mở dịch vụ bảo dưỡng ô tô.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, Nghị định 116/2017 chỉ là tiêu chí mang tính thủ tục hành chính đặt ra đối với mọi cơ sở bảo hành bảo dưỡng nói chung, không phân biệt chính hãng hay không.
“Phần lớn cơ sở chính hãng đều tuân thủ nhằm thực hiện hai việc, một là bảo hành xe mới và hai là triệu hồi xe lỗi. Đối với cơ sở không thực hiện hai việc này, hiện chưa có quy định hay chế tài cụ thể. Vì thế việc tuyển thợ bảo dưỡng không có ràng buộc gì về trình độ, trách nhiệm. Chất lượng dịch vụ bảo dưỡng đến giờ chưa có ai thẩm định, đánh giá đến nơi đến chốn”, ông Đồng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận