Kỳ 2: “Cắt máu” chạy chỉ tiêu doanh số
Kỳ cuối: Hack số điện thoại, giả giám đốc để chốt đơn
Nghề nào cũng có những bí mật của riêng mình và nghề bán ô tô cũng không ngoại lệ. Khi thị trường khó khăn, họ thậm chí phải giở rất nhiều ngón nghề.
Hack số điện thoại, thông tin khách hàng
Ngoài việc tư vấn, bán hàng, các sales ô tô còn làm nhiều dịch vụ khác như đi đăng ký, đăng kiểm cho khách để tăng thêm thu nhập
Đi dọc đoạn đường Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) dễ dàng nhận thấy các đại lý ô tô mọc lên như nấm, với đủ các thương hiệu như: Isuzu, Nissan, Mazda, Kia, VinFast, Toyota, Hyundai...
Phóng viên hẹn gặp một người quen đang làm nhân viên bán hàng cho một đại lý ô tô tại một quán cà phê.
Vừa tay bắt mặt mừng, nét mặt sales này ngay lập tức chùng xuống khi được hỏi về công việc. “Qua Tết, các hãng xe nói chung đều bết bát, doanh số bán ra kém, nhân sự biến động nghỉ việc nhiều. Thị trường khó khăn nên áp lực doanh số đè nặng. Những lúc như thế này các sales thường phải giở đủ các ngón nghề”, anh mở lời.
Theo nhân viên này, một trong nhưng ngón nghề mà dân sales ô tô thường sử dụng để tìm kiếm khách hàng là vào các hội nhóm Facebook về xe, trang chủ của hãng hoặc trang của các đại lý khác “vợt khách”.
Trên những trang này, nếu thấy có những comment của khách hàng hỏi thông tin về mẫu xe cần mua hay xin giá là các sales sẽ ngay lập tức nhắn tin riêng với khách để mời chào.
Có nhưng bài viết rao bán xe mà nhân viên đại lý khác vừa đăng lên vài phút để tìm khách hàng thì đã bị các sales khác nhảy vào lôi kéo, dụ khách mua xe của mình.
Một mẹo tìm khách hàng tiềm năng khác là tìm cách… hack số điện thoại của các tài khoản Facebook đang có nhu cầu mua xe. Có rất nhiều sales bán ô tô hàng ngày chỉ vào các hội nhóm để săn thông tin khách hàng.
Họ sử dụng các công cụ (tool) trên mạng để quét và lấy số điện thoại, thông tin của các tài khoản Facebook sau khi thấy họ để lại comment trong các bài viết mời chào mua xe.
Với công cụ này chỉ cần một thao tác đơn giản, các sales đã có ngay số điện thoại và thông tin khách hàng tiềm năng, nếu tài khoản Facebook đó được lập bằng số điện thoại hoặc để lại số điện thoại trên phần khai thông tin ở phần “giới thiệu”.
Do chính sách phân vùng bán xe của hãng, không được phép bán xe ở những địa phương khác nên nếu “vợt” được khách ở tỉnh khác, nhân viên sales sẽ ngay lập tức giới thiệu cho đồng nghiệp đang làm việc tại nơi đó. Sau khi bán được xe, phần hoa hồng bán xe sẽ cưa đôi.
“Các công cụ kiểu này hiện có rất nhiều trên mạng. Mức phí để được sử dụng chỉ mất khoảng 200 - 300 nghìn/tháng. Hầu hết các sales bán ô tô hiện nay và cả các sales ngành hàng như bất động sản, thời trang, bán hàng online… đều sử dụng để tìm kiếm thông tin khách hàng tiềm năng”, nhân viên này cho hay.
Giở đủ ngón nghề
Do việc cạnh tranh, giành khách hàng rất khốc liệt nên ngoài các phương thức tìm kiếm khách hàng truyền thống như đăng bài bán xe trên mạng xã hôi, nhờ bạn bè người thân giới thiệu, các sales bán ô tô hiện còn chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, đăng tin rao vặt mất phí trên các trang mua bán...
Tuy nhiên, các phương thức kiểu này chưa phải là “bài tủ” để giành khách vì đã có quá nhiều người áp dụng.
“Có không ít trường hợp nhân viên bán xe đóng giả là quản lý cấp trưởng phòng, phó giám đốc kinh doanh để gọi điện tư vấn, chốt khách nhằm tăng độ uy tín trong việc giao dịch.
Nếu khách đang phân vân về sự lựa chọn khi so sánh với các thương hiệu khác cùng phân khúc, các sales sẵn sàng nhờ người quen đóng giả làm sales bên hãng đó liên hệ với khách hàng rồi báo giá thật cao và định hướng khách hàng chốt mua sản phẩm của hãng mình.
Thậm chí, khi đang tiếp khách tại showroom và gặp khó khăn trong việc chốt giá và các chính sách bán hàng, sales cũng có thể nhờ nhân viên lớn tuổi hơn giả làm người quản lý đến gặp khách trực tiếp, tạo sự tin tưởng để ký hợp đồng”, một sales bán ô tô tiết lộ bí quyết.
Anh T. - một sales có kinh nghiệm 7 năm bán hàng cho biết, khi biết khách đang thực sự quan tâm đến mẫu xe nào đó thì sẽ huy động cả đội nhóm cùng gọi điện chăm sóc để “đánh” vào tâm lý, giả làm nhân viên đại lý khác cùng hãng báo giá cao hơn.
Cũng có trường hợp sales lợi dụng những thế mạnh vốn có của đại lý mình nhằm đánh vào tâm lý khách hàng như kiểu: “Đại lý em lớn nhất Hà Nội, xưởng rộng rãi nhất, làm việc xuyên ngày chủ nhật, phụ kiện bên em toàn hàng chính hãng bảo hành 10 năm”, “mua xe xong sẽ tặng coupon dịch vụ sửa chữa miễn phí”… Thế nhưng, hầu hết các thông tin kiểu này đều là do sales tự nghĩ ra.
Một trưởng phòng kinh doanh tại một đại lý ô tô ở Hà Nội chia sẻ, nhiều nhân viên sales thời điểm này do không bán được xe nên buộc phải tìm nhiều cách để tạo ra thu nhập. Nhiều người liên kết với các gara hay salon xe cũ để lấy thông tin về đăng bán song song cùng với việc bán xe mới.
“Nhiều bạn có vốn liếng chút thì đi tìm xe cũ để mua vào rồi bán ra kiếm chênh lệch. Có các sales tìm cách gia tăng thu nhập bằng việc nhận đi đăng ký xe, đăng kiểm xe thuê cho khách hoặc nhận đi rút hồ sơ và giao xe ở các tỉnh lân cận”, vị này cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận