Năm 2022, quy mô thị trường ô tô Việt Nam chính thức vượt ngưỡng 500 nghìn xe/năm. Đây là quy mô được cho là đủ hấp dẫn để các thương hiệu lớn đầu tư dây chuyền sản xuất thay vì chỉ nhập khẩu, lắp ráp thủ công.
Thị trường đứng thứ tư Đông Nam Á
Dây chuyền lắp ráp ô tô của VinFast
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Takahara, Tổng giám đốc Suzuki Việt Nam cho rằng, đây là một cột mốc đầy ấn tượng: “Tôi tin rằng, thị trường ô tô của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, đặc biệt với sự tăng trưởng GDP năm 2022 đạt trên 8%, nhu cầu sử dụng ô tô của người dân cũng sẽ tăng nhanh. Trong năm 2023, Suzuki cũng lên kế hoạch đầu tư sản xuất trong nước cho một số dòng xe thương mại mới”.
Chính phủ cần đưa ra các giải pháp toàn diện để kích cầu, từ đó tăng quy mô thị trường bằng cách giảm thuế, phí hoặc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Thứ hai, nếu muốn mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước, Chính phủ cần đưa ra các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho hoạt động này.
Ông Daiki Mihara, Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam
Ông Daiki Mihara, Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam cũng cho rằng, sự tăng trưởng của thị trường ô tô Việt Nam đã cho thấy tiềm năng rất lớn trong tương lai do quy mô dân số lớn và thu nhập của người dân Việt Nam không ngừng cải thiện.
Tuy nhiên, dung lượng thị trường 500 nghìn xe/năm chưa phải lớn so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thiếu các nguyên vật liệu cơ bản cho sản xuất (sắt, thép, nhựa...), các hãng ô tô lớn đã và đang đầu tư các nhà máy công suất lớn tại các nước trong khu vực.
“Vì vậy, chúng tôi hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc và đưa ra những chính sách phù hợp để hỗ trợ, tăng cường hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước”, Daiki Mihara nói.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dẫn thống kê của Hiệp hội Sản xuất ô tô Đông Nam Á (AAF) cho biết, thị trường Việt Nam năm 2022 đạt 404.000 xe (chưa bao gồm các doanh nghiệp ngoài VAMA), đứng thứ 4 trong ASEAN, sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Thị trường Việt Nam có tiềm năng phát triển, hấp dẫn để các nhà sản xuất nghiên cứu đầu tư. Tuy nhiên, thị trường năm 2023 có thể có nhiều rủi ro, biến động nên cần thêm thời gian để đánh giá.
Doanh nghiệp ô tô mong muốn gì?
Đào tạo nhân viên kỹ thuật của Suzuki tại các đại lý ủy quyền và xưởng dịch vụ chính hãng
Từ trước tới nay nhiều chuyên gia và doanh nghiệp sản xuất ô tô đều cho rằng, giá ô tô tại Việt Nam cao hơn với các nước trong khu vực do quy mô thị trường nhỏ, phân tán nên rất khó để đầu tư, phát triển sản xuất và giảm giá thành.
Tuy nhiên, khi đạt quy mô thị trường 500 nghìn xe/năm, con số này liệu đã đủ để giải quyết được các vấn đề nêu trên?
Để khuyến khích khách hàng Việt Nam tin chọn nhiều loại xe sản xuất trong nước hơn, chúng tôi rất mong nhận được các chính sách ưu đãi từ Chính phủ, chẳng hạn như chính sách miễn thuế nhập khẩu linh kiện có thể áp dụng rộng rãi kể cả với sản lượng ô tô sản xuất thấp.
Ông Takahara, Tổng giám đốc Suzuki Việt Nam
Trả lời câu hỏi này, ông Takahara cho rằng, Việt Nam không còn là “thị trường nhỏ”.
Quy mô thị trường đang phát triển cùng với những chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ thì các nhà sản xuất xe có thể cân nhắc đầu tư công nghiệp phụ trợ và đầu tư dây chuyền sản xuất ô tô trong nước.
Tuy nhiên, theo ông Daiki Mihara, quy mô thị trường 500 nghìn xe chưa đủ để giải quyết được các vấn đề do sản lượng cho mỗi dòng xe còn rất nhỏ, chỉ khoảng vài nghìn xe/năm. Thêm vào đó, giá xe ô tô tại thị trường Việt Nam đang cao chủ yếu là do thuế cao.
“Chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ cân nhắc và đưa ra những chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ giảm giá thành sản phẩm cũng như thúc đẩy hoạt động kinh doanh ô tô tại thị trường Việt Nam”, ông nói.
VAMA cũng đánh giá quy mô thị trường tăng sẽ mở ra cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, giảm giá thành. Tuy nhiên, điểm đặc thù là Việt Nam hiện có nhiều model xe, mỗi loại sản lượng không cao, nên có sự phân tán, khó để giảm giá thành.
Để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tự tin mở rộng sản xuất kinh doanh và có chiến lược dài hạn tại Việt Nam, VAMA đề xuất Chính phủ cần sớm có cập nhật Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 phù hợp với xu thế mới.
Lãnh đạo VAMA đề xuất, đối với việc thực hiện Quyết định 876 (phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải) của Thủ tướng Chính phủ, cần tham vấn Hiệp hội Doanh nghiệp để có mục tiêu và lộ trình áp dụng quy định hạn mức tiêu thụ nhiên liệu, chuyển đổi năng lượng trong ngành giao thông, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô và mục tiêu giảm phát thải.
Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi về thuế phí và lộ trình phát triển xe điện hóa. Đối với Thuế tiêu thụ đặc biệt, cần tính đến mức phát thải CO2, coi thuế là công cụ hiệu quả để giảm mức phát thải CO2. Đặc biệt cần có chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận