Anh Nguyễn Quang Thành, chủ xe điện VF8 dùng xe đi cứu trợ lũ lụt ở Thái Nguyên. Trên đường đi xe anh Thành bị sập gầm, nứt quả pin. Anh Thành đã gọi bảo hiểm, phía PJICO cử giám định viên làm hiện trường theo quy trình, sự việc diễn ra hôm 11/9.
Ngày 23/9, bảo hiểm thông báo từ chối bồi thường do tổn thất (nứt pin) không đi kèm tổn thất khác ở gầm xe, căn cứ điều kiện loại trừ bảo hiểm bổ sung.
Khi nêu vấn đề này lên mạng xã hội, vụ việc gây tranh cãi do hai luồng quan điểm trái chiều.
Một luồng ý kiến cho rằng bảo hiểm từ chối vô căn cứ, do gầm xe là vỏ pin, chỉ cần vấp cục đá có thể nứt mà không kèm tổn thất khác xung quanh.
Luồng ý kiến ngược lại cho rằng, bảo hiểm loại trừ là đúng vì chủ xe không mua bảo hiểm riêng cho pin, nên coi hỏng pin như hỏng lốp, hỏng ắc quy.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hợp đồng mẫu của bảo hiểm PJICO có điều khoản thỏa thuận bổ sung đối với pin xe điện (mã Điều khoản bổ sung - 009).
Trong đó 2 điểm loại trừ được bổ sung, như sau: “Tổn thất pin gắn trên xe điện, trừ trường hợp tổn thất do cùng một nguyên nhân đồng thời với các bộ phận khác của xe trong cùng một vụ tai nạn”.
Loại trừ tiếp theo của PJICO ghi: “Các hư hỏng do hao mòn tự nhiên; hư hỏng do khả năng hấp thụ sạc; các hư hỏng tổn thất không phải do nguyên nhân thuộc phạm vi bảo hiểm; pin sản xuất hoặc lắp ráp không chính hãng và các loại trừ khác theo quy tắc bảo hiểm vật chất xe PJICO”.
Đây là điểm loại trừ khiến nhiều người thắc mắc, bảo hiểm loại trừ như vậy là đúng hay sai?
Theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Công ty TNHH dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm InFair), hiện các hãng bảo hiểm đều áp dụng điểm loại trừ giống như cách PJICO đang thực hiện, ngoại trừ bảo hiểm Bảo Việt. Nhưng mức phí của Bảo Việt cao hơn khoảng 10%.
Lý do, pin là bộ phận đắt tiền, rủi ro lớn, nên hãng bảo hiểm bổ sung điểm loại trừ đối với pin.
Những điểm bổ sung này tương tự như cách lâu nay bảo hiểm loại trừ các bộ phận hao mòn tự nhiên như lốp, bình ắc quy, gạt mưa và các loại chất lỏng ô tô.
Về đánh giá rủi ro, tổn thất pin có nhiều dạng thức, gồm tổn thất tự thân sản phẩm; hoặc tổn thất do ngoại vật tác động.
Các hãng bảo hiểm đều loại trừ tổn thất tự thân, như pin hao mòn tự nhiên, hư hỏng do khả năng hấp thụ sạc (bị chai pin, sạc không vào điện…).
Trường hợp khách hàng chủ xe VF8 bị nứt pin nói trên, cần được các giám định viên thẩm định chính xác là do tác động ngoại vật hay không, trước khi quyết định loại trừ hay bồi thường cho khách hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận