Một trong những chiếc ô tô tự chế đang trong quá trình sơn sửa tại Việt Nam - Ảnh: Thắng Ba Bánh |
Một vài năm trở lại đây, trào lưu tự chế xe, độ xe ngày càng trở nên rầm rộ trong giới trẻ và đặc biệt đối với những tay mê tốc độ. Việc tự chế xe theo sở thích cũng nâng dần theo cấp độ, độ từ xe máy đến ô tô, thay đổi một phần hoặc hoàn toàn khác so với thiết kế ban đầu của các nhà sản xuất đưa ra.
Tuy nhiên việc tự chế các chiếc xe này liệu có hợp pháp và đúng với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành?
Ô tô tự chế với thiết kế 5 bánh quái dị - Ảnh: Trần Mạnh Hà |
Xe giao thông vừa đăng tải hình ảnh một chiếc xe được gọi là ô tô với thiết kế 5 bánh "quái dị" ở Hà Nội. Đây là một chiếc xe tự chế với 4 bánh phía trước và 1 bánh lớn ở phía sau và cửa mở dạng cắt kéo. Chiếc xe tự chế này có một chỗ ngồi và vận hành bằng động cơ 4 xi-lanh.
Thông tin ban đầu ghi nhận, người chế tạo chiếc xe này đã cho xe chạy thử ngoài đường trong những ngày qua.
Chiếc chopper độ động cơ khủng nhưng không có số khung số máy bị bắt giữ tại thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: Nguyễn Duy Hưng |
Trước đó, một chiếc xe máy độ dạng chopper cũng đã được một người ở Tp.HCM chế tạo và bị lực lượng chức năng bắt giữ. Chiếc chopper này được chế với động cơ 7 xi-lanh và không hề có số khung, số máy. Khi bị bắt giữ, xe cũng không có biển số, không đèn và không có bình xăng.
Mặc dù chủ xưởng độ có trình bày chiếc xe bị kiểm tra là đề tài nghiên cứu, từ động cơ cho đến khung sườn, từ lốc máy, tay zên, cam cò đến ống nước, nhớt, bánh, phuộc.... tất cả đều có chụp hình lưu giữ từng công đoạn, không phải xe gian, xe trốn thuế hay xe không rõ nguồn gốc và không lưu thông nhưng đều không thuyết phục do thiếu các giấy tờ, giấy phép thể hiện điều này.
Luật pháp của Việt Nam hiện tại với các loại xe tự chế
Theo như Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1/1/2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung công quỹ”.
Cùng đó, tại điểm b khoản 4 điều 17 nghị định số 171/2013/NĐ-CP (13-11-2013), quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.
Đồng thời, theo điểm c khoản 5 điều 17, quy định ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung bị tịch thu phương tiện và giấy phép lái xe hai tháng.
Tuy nhiên, quy định là như vậy, nhưng trên thực tế hiện nay, một số loại phương tiện tự chế kể trên vẫn đang hoạt động “bất chấp” mọi quy định của cơ quan chức năng và có thể lách luật sang một hướng khác như trường hợp ở trên là "ô tô tự chế đến 5 bánh".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận