Các tỉnh duyên hải đón loạt dự án ô tô lớn
Tại tỉnh Thái Bình, từ đầu năm đến nay có hai dự án nhà máy ô tô được ký kết khởi công, cùng đặt nhà máy tại huyện Tiền Hải.
Đầu tiên là dự án lắp ráp xe của liên doanh giữa Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery Trung Quốc). Lễ ký kết liên doanh diễn ra hôm 4/4 tại Hà Nội.
Giá trị dự án 800 triệu USD, đi vào hoạt động từ cuối năm 2025. Tổng công suất của nhà máy sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn đạt 200.000 xe/năm.
Mới nhất, hôm 23/9 diễn ra lễ ký kết triển khai dự án nhà máy lắp ráp ô tô của liên doanh Tasco Auto - Geely Auto cũng tại khu công nghiệp Tiền Hải (Thái Bình), tổng mức đầu tư 168 triệu USD, công suất 75.000 xe/năm.
Tại tỉnh Quảng Ninh, dự án Tổ hợp nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng tại KCN Việt Hưng (TP. Hạ Long) dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2024.
Dự án sẽ là nơi lắp rắp, sản xuất ô tô mang thương hiệu Skoda đầu tiên tại Đông Nam Á, quy mô công suất 120.000 xe/năm.
Nhà máy lắp ráp ô tô Skoda được xây dựng trên diện tích 36,5 ha, nằm trong tổ hợp công nghiệp phụ trợ có tổng diện tích 400 ha, tổng vốn đầu tư 8.679 tỷ đồng (380 triệu USD).
Tại tỉnh Hưng Yên, tháng 4/2023 nhà máy TMT Motor xuất xưởng dòng xe điện mini đầu tiên ở Việt Nam, trong dự án lắp ráp CKD và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling.
Mẫu xe điện giá rẻ được lắp ráp tại nhà máy TMT tại huyện Văn Lâm với công suất 30.000 xe/năm và có thể tăng khi sản lượng tiêu thụ khả quan.
Tại tỉnh Ninh Bình, nhà máy Hyundai Thành Công số 2 chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/11/2022, là nhà máy lớn nhất của liên doanh TC Group - Hyundai Motor.
Nhà máy nằm trong KCN Gián Khẩu được xây dựng trên tổng diện tích 50 ha, diện tích nhà xưởng 87.000m2, tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng (145 triệu USD).
Tại thành phố cảng Hải Phòng, nhà máy VinFast khởi công năm 2017, khánh thành năm 2019, có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 250.000 xe/năm, giai đoạn 2 là 500.000 xe/năm, tốc độ sản xuất 38 xe/giờ.
Theo lãnh đạo VinFast, năm 2025 công suất nhà máy VinFast sẽ đạt 200.000 xe/năm, gần đạt công suất thiết kế của giai đoạn 1.
Kết nối thuận tiện
Tại các tỉnh phía Nam, trong 5 năm qua không có thêm dự án nhà máy ô tô mới, ngoài các gói đầu tư nâng cấp nhà máy hiện hữu.
Tại miền Trung, ngoài dự án nhà máy lắp ráp động cơ ô tô Yuchai của Trung Quốc liên doanh với Kim Long Motor ở Huế trị giá 6.500 tỷ đồng (260 triệu USD) vừa động thổ hôm 23/8; các dự án lắp ráp ô tô khác phần lớn trong phạm vi Khu kinh tế Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) do Tập đoàn Thaco làm chủ đầu tư.
Theo các chuyên gia kinh tế, giai đoạn 5 năm gần nhất, các dự án mở nhà máy lắp ráp ô tô con đều chọn các tỉnh duyên hải miền Bắc, như Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình.
Lý do thứ nhất là các tỉnh này có hạ tầng thuận tiện, kết nối với sân bay, cảng biển và các tuyến cao tốc huyết mạch.
Thứ hai là kết nối với chuỗi cung ứng thuận tiện, phần lớn các nhà cung ứng có kinh nghiệm đang cung cấp linh kiện phụ tùng cho các hãng xe Nhật đều đặt nhà máy ở các tỉnh phía Bắc, gồm Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hưng Yên.
Thứ ba, các tỉnh duyên hải miền Bắc kết nối đường bộ thuận tiện với chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng khổng lồ từ Trung Quốc, qua các cửa khẩu quốc tế ở Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận