Xe điện thay thế phương tiện sử dụng động cơ đốt trong đang là một xu hướng của thế giới nhằm giải quyết vấn đề môi trường. Vậy Việt Nam cần có cơ chế khuyến khích như thế nào để thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện dùng động cơ đốt trong sang xe điện khi mới đây VinFast đã cho ra mắt xe máy điện thông minh. Báo Giao thông trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này.
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia: "Cần có công cụ để dẫn dắt quá trình chuyển đổi"
Hiện xe điện đang là một xu thế trên thế giới. Tuy nhiên, trước khi tính đến những cơ chế, chính sách để khuyến khích sản xuất, sử dụng xe điện cần phải có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Ví dụ, cần đánh giá việc chuyển đổi sang xe điện có ưu điểm, nhược điểm gì, lợi ích ra sao? Nếu như lợi ích mà lớn hơn chi phí thì lúc đó chúng ta có căn cứ để làm. Nhưng làm như vậy không có nghĩa là sẽ chuyển đổi hết tất cả sang sử dụng xe điện. Vấn đề là đối tượng nào sẽ chuyển, ở đâu chuyển đổi và từ những phạm vi như vậy mới có thể thiết kế ra chính sách. Nói chung, sử dụng xe điện về mặt môi trường sẽ tốt hơn nhưng tốt hơn hay không còn phụ thuộc vào việc chúng ta làm.
Khi đã thiết kế được một khung pháp lý và các giải pháp quản lý xe điện hoàn toàn có thể có thêm những chính sách về thuế, phí đối với xe điện để khuyến khích người dân sử dụng xe điện. Chức năng chính của cơ quan quản lý Nhà nước là dẫn dắt sự thay đổi, hướng tới một mô hình tốt hơn. Để đạt được điều đó hoàn toàn có thể có các công cụ, kể cả công cụ về mặt hành chính, tuyên truyền và công cụ về kinh tế. Những công cụ như vậy phối hợp để thúc đẩy, dẫn dắt sự thay đổi đến một mô hình tốt hơn.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách phát triển (Bộ KH&ĐT): "Nên hỗ trợ cả doanh nghiệp lẫn người mua"
Hiện tại, Việt Nam cũng đã có những cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển các loại xe sạch, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Xe điện là chủ trương mà Việt Nam cũng như thế giới đang hướng tới, rất cần được khuyến khích.
Việc sử dụng xe điện tại Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến, còn tâm lý chưa tin tưởng nên cần có các chủ trương, chính sách khuyến khích sử dụng giống như đã từng áp dụng với xăng sinh học E5. Đây cũng là điều mà Nhà nước phải quan tâm nhưng trước tiên các đề xuất phải xuất phát từ phía doanh nghiệp, các hiệp hội.
Đối với xe điện, ở các nước trên thế giới trong giai đoạn đầu phát triển thường được hỗ trợ. Ví dụ, ở Trung Quốc thời gian đầu hỗ trợ tối đa tới 60.000 NDT (hơn 200 triệu đồng) đối với người mua ô tô chạy bằng điện. Xe điện liên quan đến vấn đề môi trường nên cần được ưu tiên, ưu đãi, có thể được hỗ trợ nhưng cần phải xem xét kỹ lưỡng. Theo tôi, nên hỗ trợ cả doanh nghiệp sản xuất xe điện tại Việt Nam về mặt thuế thu nhập doanh nghiệp hay cả những loại thuế, phí liên quan đến lưu hành xe điện để hỗ trợ, khuyến khích người mua. Vấn đề này liên quan đến nhiều ngành, cần có sự đồng bộ trong các chính sách.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: "Giảm thuế, phí để khuyến khích sử dụng xe điện"
Nên có những chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam bởi các lý do sau: Thứ nhất, việc sử dụng xe điện đang là xu thế, như biện pháp bảo vệ môi trường trong khi các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nguồn gốc gây ô nhiễm rất lớn. Tiếp đến, xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch kém an toàn hơn. Cuối cùng, sử dụng xe điện giải quyết được vấn đề tiếng ồn của các phương tiện giao thông..
Với những ưu điểm vượt trội của xe điện, trước mắt, cần có chính sách khuyến khích người mua xe mới chuyển sang mua xe điện. Phải làm sao để người dân nhìn thấy lợi ích kinh tế khi sử dụng xe điện. Bên cạnh đó, cũng cần có lộ trình xe điện thay thế xe chạy xăng dầu và hỗ trợ mạng lưới cung cấp những thiết bị thay thế cho xe điện như ắc-quy.
Thêm vào đó, các phương tiện tại Việt Nam hiện đang phải chịu gánh nặng thuế, phí, tiền đăng ký biển số rất lớn. Đây là những thứ cũng có thể xem xét để giảm đối với xe điện. Việc làm này coi như một khoản đầu tư vào việc bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn cũng như thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người Việt.
Ông Nguyễn Đông Phong, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN): "Xây dựng chính sách đảm bảo việc thu hồi ắc-quy, pin không sử dụng"
Khi sử dụng xe điện phải giải quyết an toàn về cháy nổ. Ắc-quy hay pin được dùng trên xe thông thường được tích một năng lượng nhất định. Với sự phát triển của công nghệ, ắc-quy, pin ngày càng có khả năng tích năng lượng lớn hơn. Nguồn năng lượng này cần được kiểm soát bằng các công nghệ phù hợp để đảm bảo an toàn khi giải phóng năng lượng đặc biệt trong các trường hợp va chạm không may xảy ra.
Một số nước quản lý rất chặt đối với ắc-quy, pin thải đi. Nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu hồi lại các ắc-quy, pin không còn sử dụng để xử lý tập trung theo quy định. Khi một lượng ắc-quy, pin mới được bán ra với mục đích thay thế phải thu lại tương ứng một lượng như thế từ thị trường hoặc người tiêu dùng.
Để phát triển việc sử dụng xe điện cần quan tâm đến một số vấn đề. Thứ nhất, cần phải phát triển hệ thống hạ tầng (mạng lưới) các trạm sạc hoặc đổi ắc-quy, pin hết điện. Điều này tạo thuận lợi cho người sử dụng khi xe hết điện, đồng thời sẽ kiểm soát tốt hơn việc thu hồi ắc-quy, pin không còn sử dụng. Nếu có mạng lưới cung cấp điện nạp hoặc thay thế rộng khắp thì sẽ thuận lợi hơn cho người tiêu dùng khi di chuyển với các khoảng cách xa.
Thứ hai, cần xây dựng chính sách để đảm bảo việc thu hồi ắc-quy, pin không sử dụng nữa để xử lý tập trung, bảo vệ môi trường tránh ô nhiễm. Phải rà soát củng cố lại các quy định pháp luật về vấn đề này cũng như việc thực hiện.
Cuối cùng, cần có các chính sách khuyến khích sử dụng xe nhiên liệu sạch như: Ưu đãi giảm thuế, phí…; Hỗ trợ về tài chính (giá, thuế…) để đổi các xe sử dụng nhiên liệu truyền thống sang xe nhiên liệu sạch; Tăng cường tuyên truyền…
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng: "Khuyến khích xe điện để cải thiện môi trường"
Với tình hình giao thông Việt Nam hiện nay mà khuyến khích sản xuất xe điện để thay thế là một tư duy đúng nhằm có một môi trường khí thở tốt hơn. Ở Đức hay châu Âu nói chung, tới năm 2030 không cho chạy xe dầu disel nữa vì tạo ra bụi hạt mịn hàm lượng Anuix rất độc hại, ảnh hưởng đường hô hấp. Tôi nghĩ rất nên ủng hộ xu hướng phát triển xe điện để các đô thị có môi trường khí thở trong lành hơn.
Ở Đức, nếu bạn mua một chiếc ô tô điện, Chính phủ sẽ hỗ trợ 4.500 euro. Tại Đức, xe điện hiện mới chiếm khoảng 1% nên để thúc đẩy người dân sử dụng xe điện, Chính phủ Đức đang tính tăng hỗ trợ lên 6.000 euro. Để giải quyết vấn đề bình ắc-quy, họ đã đưa ra chính sách cho thuê pin với chi phí 1 tháng 100 euro. Chính sách này được người dân Đức rất ủng hộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận