Nhiều hãng xe không đầu tư trạm sạc công cộng
Theo dự báo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Việt Nam sẽ đạt mức 1 triệu xe điện hóa vào năm 2028 và đến năm 2040 số lượng xe điện sẽ đạt 3,5 triệu chiếc.
Trong một báo cáo tại Hội thảo về xe điện vừa diễn ra cuối tháng 5/2023, bà Nguyễn Hồng Ngọc, chuyên gia thị trường xe điện (Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID) nhận định, dự kiến từ nay đến năm 2027, thị trường xe điện Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng 33%.
Xe điện Wuling MiniEV dự kiến được bán tại Việt Nam cuối năm nay.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay, ngoài VinFast đã xây dựng hạ tầng trạm sạc nhưng chỉ để phục vụ cho những sản phẩm của mình còn lại hàng loạt hãng xe chuẩn bị tham gia vào thị trường trong khi hạ tầng trạm sạc công cộng gần như chưa có. Thực tế cho thấy, tùy loại xe, pin xe điện thường cho phép xe đi được quãng đường khoảng 200-400km/lần sạc. Muốn đi đường dài chắc chắn cần trạm sạc dày đặc để có thể vừa đi vừa sạc trên đường.
Tuy nhiên trên thực tế, ngoài VinFast đang có những nỗ lực để tạo ra hệ sinh thái cho các sản phẩm xe điện của mình, hầu hết các đơn vị nhập khẩu, lắp ráp đang và sắp bán ô tô điện tại Việt Nam không có kế hoạch phát triển hạ tầng xe điện.
Mới đây, thương hiệu xe điện Trung Quốc là Wuling đã bắt tay với Công ty TMT Motor để lắp ráp và sẽ bán xe điện giá rẻ tại Việt Nam cuối năm nay. Tuy nhiên hãng xe này cho biết, do các mẫu xe Wuling MiniEV có thiết kế nhỏ gọn nên chỉ cần sạc pin tại nhà, không cần thiết phải phát triển hệ thống trạm sạc công cộng nên hãng không có kế hoạch phát triển hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam.
Cũng một thương hiệu ô tô điện Trung Quốc khác là Chery cũng đang có kế hoạch lắp ráp và bán xe điện tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tocy Tang, Giám đốc Chery Việt Nam cho biết, hãng chưa có kế hoạch đầu tư hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam.
Tính đến cuối tháng 5/2023 tại Việt Nam còn có 4 hãng xe sang thương hiệu Đức, gồm: Audi, Mercedes, Porsche, BMW ra mắt xe thuần điện phiên bản thương mại tại Việt Nam. Đại diện một số hãng xe này đều cho biết, do là xe sang nên số lượng bán ra thị trường chưa nhiều. Hơn nữa hầu hết chủ sở hữu những chiếc xe sang đắt tiền đều có thể đầu tư trạm sạc tại nhà với công suất lớn nên việc sử dụng xe điện trong phạm vi nhất định không gặp phải áp lực...
Một số thương hiệu ô tô Hàn Quốc hay CH Séc cũng đang có kế hoạch ra mắt xe điện tại thị trường Việt Nam trong năm nay.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia ô tô, nếu xe điện chỉ sạc tại nhà thì chỉ có thể đi loanh quanh dạo phố. Nếu đi đường dài gặp sự cố về pin, không còn cách nào khác ngoài gọi cứu hộ.
Bài toán “quả trứng, con gà”
Theo bà Nguyễn Hồng Ngọc, đến nay hệ sinh thái hạ tầng xe điện tại Việt Nam khá khiêm tốn. Hiện, mới chỉ có VinGroup đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng trạm sạc nhưng chỉ dùng cho các mẫu xe của hãng. Việc thiếu hạ tầng sạc công cộng do nhà nước hoặc bên thứ 3 đầu tư là rào cản chính trong thúc đẩy xe điện, dẫn đến tình trạng “con gà - quả trứng”, nghĩa là chờ nhiều xe điện mới làm trạm sạc trong khi muốn bán nhiều xe hơn thì trước tiên phải có hạ tầng trạm sạc.
Theo bà Ngọc, tình trạng này đã giảm khuyến khích việc mua xe điện và có thể tạo ra những bất cập khi sản phẩm lưu hành nhưng xe không thể sạc điện.
Để thúc đẩy phát triển xe điện và đảm bảo không gặp phải những hệ lụy khi lưu thông loại phương tiện này theo bà Lê Nhàn, chuyên gia về biến đổi khí hậu/giao thông (USAID), bên cạnh các hoạt động điều tiết, hỗ trợ của Chính phủ cũng cần sự tham gia của khối tư nhân là các nhà sản xuất xe điện và bên thứ ba là các nhà phát triển hạ tầng sạc xe điện.
Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô từng nhiều năm làm việc cho hãng Volkswagen (Đức), cho rằng hạ tầng sạc điện là bài toán cần giải quyết, rồi mới tính đến chuyện phát triển ngành ô tô điện. Các hãng đều hứa hẹn sẽ phát triển hạ tầng trạm sạc nhưng thực tế chỉ bán xe, chưa ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng. Điều này rất nguy hiểm. Do đó, chuyên gia này đề nghị có chính sách ràng buộc các hãng xe, doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất ô tô điện tại Việt Nam cùng đầu tư hạ tầng trạm sạc, gia tăng tiện ích cho khách hàng thay vì chỉ chăm chăm bán xe kiếm lời.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô điện cho biết, hiện chưa có quy định nào yêu cầu hãng xe khi bán xe điện phải có hạ tầng trạm sạc như là một loại “điều kiện kinh doanh”. Hiện, các điều kiện về kinh doanh, nhập khẩu, sản xuất và bảo dưỡng ô tô cũng chưa đề cập đến vấn đề này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận