Trước sự sụt giảm mạnh doanh số thị trường ô tô, một số địa phương như Ninh Bình, Quảng Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) và TC Group đã có văn bản kiến nghị Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% phí trước bạ với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước.
Xe nhập khẩu cũng muốn được giảm
Theo chuyên gia, việc áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với xe nội địa là phù hợp, còn với xe nhập khẩu thì rất khó
TC Motor cho biết, thị trường năm 2023 bị cảnh báo sụt giảm xấp xỉ 17,5% so với năm 2022, tương đương hơn 85.500 xe.
Trong trung hạn, việc sụt giảm trong năm 2023 sẽ kéo theo tốc độ “ô tô hóa” tại Việt Nam chậm lại. Thị trường ô tô có nguy cơ mất 37% sản lượng bán ra trong 5 năm tới (tương đương 1.800.000 xe).
Trong dài hạn, mục tiêu xuất khẩu khoảng 90.000 xe và 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng vào năm 2035 sẽ không thể đạt được nếu không có những chính sách thúc đẩy kịp thời.
Trong ngắn hạn, nếu sức mua không được cải thiện, áp lực tồn kho sẽ tăng lên, các nhà sản xuất sẽ buộc phải giảm công suất và nhân công.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời hạn nhất định.
Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung này.
Ngay sau thông tin trên, Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô tại Việt Nam (VIVA) cũng kiến nghị được hưởng chính sách tương tự như ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. VIVA khẳng định, 12 doanh nghiệp thành viên của mình gặp khủng hoảng tồn kho nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hãng luật SBLAW (Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc đề xuất giảm phí trước bạ cả cho xe nhập khẩu là vấn đề rất khó xảy ra.
Không chỉ ở Việt Nam mà còn với nhiều nước, ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vốn dĩ vẫn còn gặp nhiều hạn chế so với nền công nghiệp ô tô ở các quốc gia phát triển.
Theo luật sư, việc áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với các dòng xe nội địa là một giải pháp phù hợp.
Lý do, để sản xuất một chiếc ô tô, doanh nghiệp vẫn đang phải nhập khẩu đến 80% linh kiện, phụ tùng từ nước ngoài và vẫn phải chịu thuế nhập khẩu. Việc giảm phí này có thể sẽ kích thích người tiêu dùng mua xe nhiều hơn, kích cầu sức mua ô tô tăng trưởng trở lại.
Trong khi đó, đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc, thuế nhập khẩu tại thị trường Đông Nam Á là 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Trường hợp nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu từ 56 - 74%.
Tuy nhiên, khi tham gia Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), mức thuế nhập khẩu các dòng xe xuất xứ từ EU sẽ giảm dần về 0% từ nay đến năm 2030.
Cân nhắc giảm cho xe sản xuất trong nước
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia về thuế, phí nêu quan điểm, trong giai đoạn dịch Covid-19, khi có nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến ngành ô tô như đứt gãy chuỗi cung ứng, giao thông đình trệ...
Chính phủ đã 2 lần giảm 50% lệ phí trước bạ với một thời hạn nhất định, mang tính chất hỗ trợ ngắn hạn chỉ cho ô tô trong nước.
“Bối cảnh hiện nay, kinh tế tích cực hơn nên việc giảm lệ phí trước bạ sẽ phải cân nhắc rất nhiều. Đầu tiên là cân đối nguồn lực. Giảm lệ phí trước bạ sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu”, vị này nói.
Khi được hỏi, giảm lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước nhưng không cho xe nhập khẩu có vi phạm với các cam kết quốc tế hay không, chuyên gia này cho biết, trước đây là giải pháp tạm thời thì có thể áp dụng. Nhưng nay bối cảnh đã khác nên cần phải lưu ý.
Tuy nhiên nếu giảm cho cả xe nhập khẩu sẽ ảnh hưởng lớn hơn về mặt ngân sách, mục tiêu hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô trong nước lại không đạt được.
Còn theo luật sư Hà, ngoài xem xét có chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước, Chính phủ nên có thêm những chính sách để hỗ trợ việc kích cầu cho thị trường ô tô, chẳng hạn như cho vay mua ô tô với lãi suất “mềm”, giãn nợ với người vay mua xe…
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc Chính phủ hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ sẽ kích thích sức mua. Tuy nhiên, nếu muốn đạt được hiệu quả từ chính sách này, cần có sự đồng hành từ phía các doanh nghiệp. Khi giảm lệ phí, các doanh nghiệp cũng nên tiếp tục có các ưu đãi với khách hàng, như vậy mới có hiệu quả kích cầu thực sự.
Theo nội dung đơn kiến nghị của Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam (VIVA), các doanh nghiệp ngành xe đang phải gồng mình đối phó với lượng hàng tồn kho cao do sức mua trên thị trường giảm đột ngột.
VIVA cho rằng, cơ quan quản lý cần có giải pháp hỗ trợ công bằng giữa hai loại xe nhập và lắp ráp trong nước. VIVA cho biết, ủng hộ giảm 50% lệ phí trước bạ nhưng chỉ trong trường hợp cùng giảm cho cả hai loại xe. Ô tô sản xuất trong nước đã hai lần được giảm 50% lệ phí trong ba năm gần đây, còn xe nhập khẩu không được hưởng chính sách này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận