Nhiều hãng xe vẫn mở rộng sản xuất
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, sản lượng ô tô lắp ráp tại Việt Nam bình quân đạt 36.000 xe tháng, tăng khoảng 16,4% so với cùng kỳ 2021. Nếu duy trì sản lượng này, tổng sản lượng xe lắp ráp nội địa trong năm nay sẽ đạt khoảng 432.000 chiếc.
Nhà máy số 2 của Hyundai Thành Công ở Ninh Bình vừa khánh thành hôm 15/11/2022 có trị giá 3.200 tỷ đồng
Hai điều có thể trông thấy ở việc mở rộng sản xuất của các hãng xe ở Việt Nam. Thứ nhất là họ đầu tư công nghệ để xe lắp ráp ở Việt Nam đạt quy chuẩn sản xuất toàn cầu, tức là trình độ lắp ráp ô tô Việt Nam sẽ không chênh lệch với thế giới. Thứ hai là họ nhìn ra cơ hội ở thị trường 100 triệu dân, với tầng lớp thị dân đang chuyển dần từ xe 2 bánh sang 4 bánh.
PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách khoa Hà Nội)
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, ngành ô tô năm 2022 đã có sự phục hồi mạnh mẽ.
Ước tính nhu cầu ô tô sẽ tăng 16%/năm, cùng với tỷ lệ sở hữu ô tô còn thấp tại Việt Nam sẽ là nền tảng vững chắc cho mức tăng trưởng cao.
Tính riêng ở mảng xe con, nhiều thương hiệu ô tô lớn tại Việt Nam như: Hyundai, Mercedes, BMW, Ford… đều có động thái mở rộng sản xuất.
Ngày 5/12/2022 Tập đoàn Thaco Autocông bố hợp tác với BMW toàn cầu để lắp ráp một số mẫu xe như BMW 3-Series, 5-Series, X3 và X5, biến nhà máy Thaco ở Chu Lai (Quảng Nam) trở thành nơi sản xuất xe BMW thứ 30 trên toàn cầu.
Trước đó vài tuần, Tập đoàn Thành Công và Hyundai Hàn Quốc đã khánh thành nhà máy HTMV2 tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (Ninh Bình). Nhà máy Hyundai số 2 trị giá 3.200 tỷ đồng có công suất 100.000 xe/năm, diện tích nhà xưởng gần 90.000m2. Nhà máy này hướng tới lắp đặt những mẫu xe hybrid hoặc xe điện cao cấp như Ioniq5.
Khoản đầu tư 2.000 tỷ đồng của hãng Ford vào nhà máy ở Hải Dương giúp cơ sở này nâng cao năng lực lắp ráp các dòng xe toàn cầu, như Ford Ranger thế hệ mới hoặc chiếc SUV Territory vốn trước đây chỉ lắp ráp ở Thái Lan hoặc Úc. Nhà máy Ford Hải Dương cũng được xác định là một trong những địa điểm trọng tâm của Ford Motor tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhà sản xuất xe sang là Mercedes-Benz Việt Nam cũng đang chuẩn bị đầu tư 33 triệu USD (khoảng 790 tỷ đồng) vào 6 nhóm kỹ thuật công nghệ cao vào nhà máy ở TP.HCM để nâng chất lượng và số lượng kiểu loại sản phẩm tại Việt Nam.
Sáu công nghệ hiện đại từ nhà máy Mercedes-Benz ở Đức triển khai lần đầu tại nhà máy Việt Nam sẽ giúp xe CKD của thương hiệu này cân bằng với lượng xe nhập nguyên chiếc (CBU) từ châu Âu.
Xe xăng vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu?
Dây chuyền lắp ráp trị giá 33 triệu USD vừa được đầu tư nâng cấp tại nhà máy Mercedes-Benz Việt Nam
Theo nguồn tin của PV, để được hãng mẹ ủy quyền lắp ráp một mẫu xe tại Việt Nam, nhà sản xuất nội địa phải đáp ứng 3 tiêu chí căn bản.Trước hết là năng lực tài chính. Kế đến là cơ sở vật chất nơi đặt dây chuyền. Cuối cùng là dung lượng thị trường có tính đến triển vọng 5 - 10 năm sau.
Mercedes nhờ lợi thế lắp ráp trong nước nên nguồn cung ổn định. Doanh số xe Mercedes tại Việt Nam luôn chiếm hơn nửa thị phần phân khúc xe sang, nơi có lợi nhuận tốt hơn trên mỗi đầu xe rời khỏi đại lý.
Với tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu bình quân của nhà sản xuất ô tô là 7,6% (số liệu trích từ báo cáo JATO Dynamics 2021), mỗi chiếc xe giá niêm yết 1 tỷ đồng, lợi nhuận của nhà sản xuất gốc là 76 triệu đồng. Mức lợi nhuận ở phân khúc 1 tỷ đồng sẽ cao gấp đôi lợi nhuận thu được những chiếc xe phổ thông có giá 400 - 500 triệu đồng.
Minh chứng cụ thể nhất là chiếc Hyundai Santa Fe, mẫu xe giúp nhà sản xuất hái quả ngọt khi chuyển từ nhập CBU sang lắp ráp CKD. Trong giai đoạn từ 2006 - 2013, chỉ có khoảng 12.500 chiếc SantaFe đến tay khách hàng người Việt, dưới dạng nhập khẩu nguyên chiếc. Kể từ khi được lắp ráp tại nhà máy Ninh Bình (tháng 12/2014), Hyundai Santa Fe có sức tiêu thụ nhảy vọt, đạt 10.000 - 12.000 xe/năm. Năm 2021, Santa Fe dù là mẫu xe đắt đỏ nhất trong “đại gia đình Hyundai” nhưng đứng thứ 2 về doanh số (chỉ sau Hyundai Accent) với 12.160 chiếc, thậm chí có tháng tiêu thụ hơn 2.000 chiếc.
Nhận định về việc xu thế xe điện có tác động thế nào đến việc đầu tư, mở rộng các dây chuyền sản xuất xe động cơ đốt trong tại Việt Nam, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng, xu thế điện hóa không cản trở các nhà sản xuất mở rộng sản xuất xe xăng tại Việt Nam, thậm chí sẽ có thêm hãng xe khác mở nhà máy mới lắp ráp xe xăng.
Lý do thứ nhất là đặc điểm của giao thông tại Việt Nam mang đậm tính chất cá nhân, xe của ai người đó đi. Hiện mỗi hộ gia đình Việt đều có hơn 2 xe máy (60 triệu xe máy trên 25 triệu hộ gia đình).Các cá nhân đi xe máy sẽ chuyển sang ô tô vào thời điểm phù hợp trong 5 - 10 năm tới.
Thứ hai là xe máy xăng còn quá trình chuyển đổi điện hóa theo lộ trình đến năm 2035 - 2040 tùy vào từng quốc gia, châu lục. Từ nay đến đó còn 12 - 17 năm, tức là đủ thời gian khấu hao cho các dây chuyền sản xuất mới lắp đặt.
Thứ ba là năng lực sản xuất và giá của xe điện còn cao cho nên xe xăng vẫn là lựa chọn nhiều nhất trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận