Những hành vi trục lợi bảo hiểm đang diễn biến ngày càng phức tạp và sẽ mang đến các thiệt hại không hề nhỏ dành cho những công ty bảo hiểm và xã hội. Những hành vi trục lợi từ bảo hiểm thường sẽ xảy ra dưới những hình thức như: Khai khống và tăng giá trị tổn thất; Làm hồ sơ giả; Xảy ra những tổn thất rồi mới chạy bảo hiểm...
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, hành vi trục lợi bảo hiểm được quy định tại Điều 213 Bộ luật Hình sự và Khoản 49, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, quy định về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (ngoài bị phạt tiền tới 100 triệu đồng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm - PV).
Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm cho rằng, tùy thuộc vào hành vi vi phạm cụ thể, khi có đầy đủ căn cứ pháp lý, các tổ chức, cá nhân có thể bị xem xét xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Về xử lý hành chính, khoản 6 Điều 1 Nghị định số 48/2018/NĐ-CP (hướng dẫn xử phạt VPHC trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm) quy định:
“3. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà số tiền chiếm đoạt dưới 20.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50.000.000 đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận