Nguyên nhân dẫn đến hao hụt nước làm mát
Nước làm mát động cơ bị hao hụt phần lớn do hai yếu tố là rò rỉ ra bên ngoài và bị lọt vào buồng đốt động cơ.
Với tình trạng nước làm mát rò rỉ ra bên ngoài có thể do đường ống dẫn có vị trí bị bục, nứt, rách khiến cho nước làm mát bị hao đi. Những vết rò rỉ này có thể rất nhỏ và khó phát hiện.
Bên cạnh đó cũng có thể do qua một thời gian dài sử dụng, các đầu nối bị ăn mòn hoặc nắp của két nước bị hỏng khiến nước làm mát bị bay hơi khi động cơ nóng lên.
Trường hợp nước làm mát động cơ bị lọt vào trong buồng đốt có thể xảy ra khi gioăng làm kín mặt máy bị hỏng, khiến cho nước làm mát lọt vào đường dầu bôi trơn hoặc đi vào buồng đốt.
Ngoài ra, nếu xi-lanh bị nứt cũng có thể khiến nước làm mát lọt vào buồng đốt. Lúc này sẽ có hiện tượng động cơ rung giật, nấc, máy không ổn định.
Việc xe bị hao hụt nước làm mát động cơ dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng. Khi thiếu nước làm mát động cơ chắc chắn sẽ bị nóng, nhiệt độ quá cao sẽ dẫn tới tình trạng bó máy, gây hư hỏng nhiều chi tiết động cơ và chi phí sửa chữa có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.
Cách xử lý khi xe ô tô cạn nước làm mát
Ngay khi phát hiện ô tô có dấu hiệu quá nhiệt, tài xế cần dừng xe khẩn cấp và mở nắp capo để động cơ có thể hạ nhiệt nhanh chóng.
Theo anh Đức Dũng, chủ gara ô tô 879 trên đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông (Hà Nội), trường hợp nước làm mát bị hao hụt một phần, sau khi tắt máy và mở nắp capo tài xế cần đợi nhiệt độ nước làm mát hạ xuống, sau đó mới tiến hành bổ sung nước làm mát.
Lưu ý không mở nắp két nước làm mát ngay khi vừa mở nắp ca-po vì lúc này nhiệt độ nước làm mát bên trong còn cao, nếu mở nắp ngay có thể sẽ khiến nước phun trào và gây bỏng.
Nếu không có nước làm mát chuyên dụng, tài xế có thể thay thế bằng nước lọc tinh khiết thay thế. Tuy nhiên cần lưu ý đây là phương án tạm thời. Tài xế cần đưa xe tới gara sửa chữa để thay thế bằng nước làm mát chuyên dụng sớm nhất có thể.
Đối với trường hợp xe bị cạn hoàn toàn nước làm mát, chủ xe cần để động cơ hạ nhiệt về nhiệt độ bình thường mới được bổ sung nước làm mát.
"Tình huống cạn hoàn toàn nước làm mát sẽ khiến nhiệt độ động cơ tăng cao. Nếu ngay lập tức bổ sung nước làm mát sẽ xảy ra hiện tượng hạ nhiệt đột ngột, vỏ động cơ có thể bị nứt, vỡ. Hư hỏng này sẽ khiến chủ xe tốn hàng trăm triệu đồng để sửa chữa.
Trong tình huống cấp bách cần di chuyển ngay thì buộc chủ xe phải đun sôi nước làm mát mới được đổ vào hệ thống. Tuy nhiên việc làm này vẫn có những rủi ro ngoài ý muốn, cách tốt nhất vẫn là để động cơ hạ nhiệt", anh Dũng cho biết thêm.
Để hạn chế các hư hỏng về hệ thống làm mát, chủ xe cần tuân thủ lịch bảo trì, bảo dưỡng. Khi di chuyển cần chú ý tới đồng hồ nhiệt độ nước làm mát, tránh hiện tượng quá nhiệt gây ra những hư hỏng nghiêm trọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận