Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy ba tháng đầu năm 2024, diễn biến thị trường có dấu hiệu đảo chiều về nguồn cung xe nhập khẩu từ các thị trường truyền thống.
Cụ thể, tổng số xe nhập khẩu quý I là 32.272 chiếc (trị giá 675 triệu USD), giảm 23% về lượng và 27% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng xe nhập khẩu đến từ 10 thị trường quen thuộc, gồm Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Nga.
Đáng chú ý, xe về từ Thái Lan là 10.420 chiếc (giá trị 204 triệu USD), giảm hơn 50% về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước. Xe nhập từ Indonesia là 14.762 chiếc (giá trị 213 triệu USD), giảm nhẹ 2,4% về lượng.
Tuy nhiên, xe xuất xứ Trung Quốc tăng 144% về lượng và tăng 91% về giá trị, số lượng xe về cảng là 5.821 chiếc, trị giá 177 triệu USD.
Dữ liệu hải quan không bóc tách xe nhập khẩu theo mục đích sử dụng, tuy nhiên nhiều năm qua xe Trung Quốc xuất sang Việt Nam chủ yếu là xe tải, xe chuyên dùng, sơ-mi rơ-moóc.
Do đó, đơn giá bình quân mỗi phương tiện vận tải Trung Quốc (30.000 USD/chiếc) cao hơn bình quân đơn giá xe du lịch ASEAN (khoảng 20.000 USD/chiếc).
Các chuyên gia cho rằng loạt thương hiệu xe du lịch Trung Quốc sắp mở bán như Aion (của GAC), Omoda (của Chery), hoặc đang bán như Haval, Lynk & Co… đóng góp vào sự gia tăng kim ngạch nhập khẩu xe Trung Quốc.
Hiện thuế nhập khẩu xe du lịch Trung Quốc vào Việt Nam từ 47 - 70% tùy loại, trong khi thuế suất nội khối ASEAN là 0% đối với xe lắp ráp trong các nước thành viên.
Thuế suất này còn hiệu lực đến 2027 và được xem xét gia hạn theo hiệp định ATIGA, do đó xe Trung Quốc chưa thể rẻ khi muốn vào thị trường Đông Nam Á.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận