Khung gầm MQB là gì?
Khung gầm dạng mô-đun MQB được viết tắt từ cụm từ tiếng Đức "Modularer QuerBaukasten", nghĩa là nền tảng khung gầm cho những dòng xe có động cơ và hộp số đặt ngang của riêng Tập đoàn Volkswagen (VW). Loại khung gầm này được sinh ra với mục đích có thể sử dụng chung một khung gầm cho nhiều dòng xe khác nhau, qua đó thống nhất, tiêu chuẩn hóa cho nhiều dòng xe khác nhau nhằm nâng cao chất lượng.
Khung gầm MQB A0 do Skoda đảm nhiệm phát triển.
Tập đoàn WV đã chi khoảng 60 tỷ USD để phát triển giải pháp khung gầm này. Hiện nay, MQB được áp dụng đồng bộ cho các dòng xe thuộc cả 8 thương hiệu anh em: Audi, Bentley, Bugatti, Lamborghini, Porsche, SEAT, Volkswagen và Skoda. Đối với các dòng xe với chiều dài trục cơ sở khác nhau, nhà sản suất sẽ tinh chỉnh chiều dài của mô-đun MBQ. Nhờ vậy, MQB được sử dụng một cách linh hoạt và ổn định.
Được xem là vũ khí mạnh mẽ nhất ở thời điểm hiện tại, nền tảng MQB giúp các thương hiệu thuộc Tập đoàn Volkswagen (VW) có cơ hội bứt phá, vươn lên trở thành tập đoàn sản xuất ô tô số một thế giới. Đây là một trong những bước tiến mang tính chiến lược của ngành công nghiệp chế tạo ô tô đã được Tập đoàn VW tiên phong hiện thực hóa, với mục đích tiêu chuẩn hóa và đồng nhất các sản phẩm ô tô. MQB đảm bảo những chiếc xe sản xuất đạt được sự đồng nhất, nâng cao tiêu chuẩn đầu ra và tiêu chuẩn an toàn của cả chiếc xe.
Ưu điểm của khung gầm MQB
MQB là một cuộc cách mạng của ngành công nghiệp ô tô. Nhờ MQB, các thương hiệu như Porsche, Audi, Skoda… đã đồng bộ hóa được đáng kể quy trình sản xuất giữa các thương hiệu trong tập đoàn. MQB đã mang lại lợi ích to lớn cho các nhà sản xuất ô tô và cả người tiêu dùng.
Về phía nhà sản xuất, quá trình phát triển khung gầm là một trong những phần đắt nhất, sản xuất lâu nhất của một chiếc ô tô và kèm theo đó dây chuyền sản xuất phù hợp cũng phải được xây dựng kéo theo rất nhiều chi phí, thời gian và công sức. Chính vì vậy, việc tiêu chuẩn hóa khung gầm giúp tiết kiệm nguồn lực và cho phép các nhà máy xây dựng thuộc hệ sinh thái của tập đoàn bổ trợ cho nhau.
MQB cho phép nhà sản xuất lắp ráp bất kỳ chiếc ô tô nào của mình dựa trên nền tảng này tại tất cả các nhà máy, qua đó giúp các thương hiệu trong tập đoàn linh hoạt trong việc chuyển đổi sản xuất cần thiết giữa các nhà máy khác nhau. Đồng thời, ngay cả khi một mẫu xe được chuyển đổi giữa các nhà máy khác nhau, MQB vẫn giúp đảm bảo chất lượng thành phẩm tương đương nhau.
Quy trình có mức độ tự động cao tại nhà máy Skoda.
Về phía người tiêu dùng, việc thống nhất khung gầm cũng mang lại rất nhiều lợi ích. Điều này tương tự lợi ích do các quy chuẩn thống nhất của chân sạc type C trên các dòng máy điện thoại ngày nay mang lại cho người tiêu dùng.
Thứ nhất, đồng bộ hóa khung gầm giúp giảm giá thành sản phẩm khi vẫn giữ nguyên chất lượng. Tất nhiên, khi xem xét giá thành cần phải xét đến những yếu tố như dòng xe đó thuộc phân khúc nào, loại động cơ, các công nghệ, tùy chọn kèm xe...
Thứ hai, việc đồng bộ giúp chất lượng các xe trở nên đồng đều, dễ dàng kiểm soát và chính xác hơn.
Thứ ba, chung khung gầm có nghĩa là có thể thay thế, trao đổi, sử dụng chung phụ tùng giữa các dòng xe cùng phân khúc thuộc Tập đoàn VW. Tại Việt Nam, điều này giúp phần nào giải tỏa nỗi lo khan hiếm phụ tùng từ các hãng xe châu Âu.
Skoda đảm trách phát triển MQB cho Tập đoàn VW
Theo công bố từ hãng, thương hiệu Skoda hiện đang đảm nhận trách nhiệm phát triển và sản xuất khung gầm MQB A0 cho cả 7 thương hiệu khác cùng tập đoàn. Skoda Auto yêu cầu nhân viên có trình độ cao cho nền tảng toàn cầu MQB-A0, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kỹ thuật. Trong khi một số sẽ chuyển đến dự án từ các vị trí khác, phần lớn sẽ được tuyển dụng mới.
Mẫu SUV hạng C Skoda Karoq sắp ra mắt Việt Nam.
Bằng cách đảm nhận trách nhiệm đối với nền tảng toàn cầu MQB-A0, nhà sản xuất ô tô CH Séc đang tạo ra một điều kiện tiên quyết quan trọng để trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu tại các thị trường toàn cầu, bao gồm Đông Nam Á (mở đầu là Việt Nam) trong dài hạn như một phần của Next Level – chiến lược mà Skoda đề ra cho tới năm 2030.
Khung gầm của dòng xe Skoda sắp bán tại Việt Nam
Mới đây, Skoda cũng để lộ các dòng sản phẩm tại Việt Nam bao gồm Karoq và Kodiaq. Hai dòng xe này được nhập khẩu nguyên chiếc từ Liên minh châu Âu và dự đoán sẽ mở bán từ cuối tháng 9/2023. Trong đó, dòng Karoq (SUV hạng C, 5 chỗ) sẽ sử dụng khung gầm MQB A1. Dòng Kodiaq (SUV hạng D, 7 chỗ) sẽ sử dụng khung gầm MQB A2 - chung nền tảng với Audi Q3, Volkswagen Tiguan... đang được phân phối tại Việt Nam.
Mẫu D-SUV Skoda Kodiaq dự kiến mở bán từ tháng 9.
Cũng theo Skoda, vật liệu cấu tạo khung gầm của hãng được các kỹ sư thiết kế nhằm đảm bảo tối đa tính an toàn nhưng vẫn giữ được trọng lượng nhẹ. Tại các vị trí trọng yếu trên thân xe và sàn xe, Skoda sử dụng các loại thép siêu cường lực (ultra high strength steel) để tăng cường khả năng bảo vệ người lái và người ngồi trong khoang hành khách.
Tỉ lệ 5 loại thép cho khung gầm Skoda Kodiaq.
Cần lưu ý, khung gầm đạt tiêu chuẩn của xe cần cứng và chịu lực tại các khu vực như cabin để bảo vệ người lái và hành khách. Đồng thời, khung xe bắt buộc phải có vùng hấp thụ xung lực khi xe va chạm (tại ca pô, cản trước...) được làm bằng các loại thép có độ mềm hơn để đảm bảo an toàn tối ưu. Chính vì vậy, vật liệu cấu tạo khung gầm an toàn không phải là càng cứng càng tốt. Thay vào đó, các khung gầm cần có độ cứng phù hợp tại từng vị trí. Trên các dòng xe của Skoda, các kỹ sư đã sử dụng tới 5 loại thép trên một khung gầm và tính toán tỉ lệ một cách kỹ lưỡng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận