Dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô trong giai đoạn mới đặt mục tiêu đến năm 2030 quy mô thị trường đạt 1-1,1 triệu xe và ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chiếm 70%. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là những mục tiêu không dễ để đạt được.
Trong 5 năm quy mô thị trường tăng gấp ba?
Năm 2023, toàn quốc đăng ký 408.542 ô tô. Như vậy, chỉ còn 5-6 năm để thực hiện mục tiêu tăng gấp 3 lần quy mô thị trường như trong dự thảo của Bộ Công thương.
Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô hiện tại vẫn có một số mục tiêu chưa đạt được như kỳ vọng.
Trước câu hỏi về việc cơ sở nào để đặt mục tiêu quy mô thị trường 1-1,1 triệu xe vào năm 2030 hay đạt 70% xe sản xuất, lắp ráp trong nước, ông Lê Huy Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) - đơn vị trực tiếp xây dựng dự thảo cho biết: "Các dữ liệu được đưa ra theo tính toán từ các chuyên gia của Viện và căn cứ theo các mục tiêu phát triển về quy mô dân số, thu nhập bình quân đầu người, điều kiện vật giá, cơ sở hạ tầng, chỗ để xe, trạm sạc…".
Theo ông Khôi, chiến lược là tầm nhìn dài hạn nên phải đặt những mục tiêu kỳ vọng.
Để khuyến khích, phát triển thị trường ô tô trong nước, thời gian tới có thể sẽ đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ lâu dài và đủ mạnh về thuế, phí nhằm kích thích tiêu dùng, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu từ 1 triệu xe trở lên vào năm 2030.
Bên cạnh đó, xây dựng, định hướng các chính sách phát triển ngành ô tô mang tầm dài hạn, đảm bảo thực thi có hiệu quả. Đảm bảo từng bước nâng dần tỉ lệ xe sản xuất trong nước và định hướng đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), điểm đáng chú ý là ở dự thảo chiến lược mới đã bổ sung các quy định chuyển đổi về điện hóa, các dòng xe thân thiện môi trường và năng lượng mới so với chiến lược 2014.
"Còn các giải pháp đột phá, thúc đẩy, tăng trưởng thị trường và giải quyết các vấn đề gốc rễ, thu hút đầu tư dù đã có nêu song vẫn chưa rõ ràng nhưng cũng là tiền đề gợi mở, cần được cụ thể hóa khi các bộ, ngành tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo", ông Hiếu góp ý.
"Khó có đột phá"
Với tình hình như hiện tại, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và Công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, sẽ khó để đạt mục tiêu năm 2030 là tiêu thụ trong nước đạt 1-1,1 triệu xe/năm.
Chiến lược mới cũng đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ (nhất là cho xe khách và xe tải nhẹ), từng bước tham gia hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Đủ khả năng cung ứng 55-60% (về giá trị) linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
TS Phương cho biết, chỉ còn 5-6 năm để thực hiện mục tiêu tăng gấp 3 lần quy mô thị trường là rất khó.
"Nguồn cung thì thừa sức đạt được do chúng ta phần lớn lắp ráp, chưa kể các doanh nghiệp FDI. Song bài toán về tăng nhu cầu mua xe rất khó bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá có hợp lý không, có cạnh tranh được với xe nhập khẩu không. Tất nhiên, xe lắp ráp trong nước rẻ hơn nhưng người dân lại có xu hướng chuộng xe nhập khẩu.
Trong một vài năm tới có thể có những thay đổi nhưng không thể đột phá được. Lượng xe tiêu thụ tăng gần gấp ba, thì mức sống cũng cần tăng tương ứng, vì thế tăng gấp đôi cũng đã khó. Trong khi, tăng trưởng kinh tế những năm gần đây chỉ đạt 5-7%", TS Phương nói.
Theo ông Phương, có hai vấn đề cần giải quyết là giá cả và chất lượng. Ngoài ra, còn cả vấn đề nội địa hóa làm sao để mục tiêu đó không trở thành cơ hội "béo bở" của các hãng xe nước ngoài.
"Nhìn rộng hơn là vấn đề giao thông đô thị. Thực tế hiện nay, các đô thị lớn đang trong tình trạng tắc đường, đây cũng là nguyên nhân hạn chế sức tiêu thụ ô tô. Vậy, chúng ta cũng phải đặt vấn đề giải quyết tình trạng này thế nào, giao thông được ưu tiên ra sao…", TS Phương chia sẻ.
Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ
Theo ông Vũ Tấn Công, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty TNHH Tư vấn Công nghiệp và Thương mại ô tô Việt Nam, đến 31/12/2023, Việt Nam có hơn 5,2 triệu ô tô. Như vậy, số ô tô trên 1.000 dân là khoảng 53 chiếc.
Sản phẩm của ngành công nghiệp ô tô cần đáp ứng nhu cầu thị trường và có giá bán hợp lý (ảnh minh họa).
Con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước ASEAN như: Brunei (721 xe/1.000 dân), Thái Lan (280 xe/1.000 dân), Malaysia (542 xe/1.000 dân) hay Singapore (176 xe/1.000 dân)…
"Với thu nhập bình quân đầu người hiện khoảng 4.284 USD (tính đến 31/12/2023), thị trường ô tô Việt Nam tuy còn nhỏ bé nhưng rất có tiềm năng để phát triển", ông Công nhận định.
Theo ông Công, muốn ngành công nghiệp ô tô phát triển, phải có một thị trường đủ lớn để tiêu thụ. Muốn vậy, sản phẩm của ngành công nghiệp ô tô phải đáp ứng nhu cầu thị trường và có giá bán hợp lý.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng - người từng có 20 năm làm việc trong ngành công nghiệp ô tô CHLB Đức cho rằng, muốn đạt được những mục tiêu như dự thảo, trong giai đoạn 10 năm tới cần đề cập trực diện tới chiến lược phát triển hai nhóm sản phẩm cốt lõi trong xe điện, đó là pin và động cơ điện.
Chiến lược cần được cụ thể hóa việc Nhà nước sẽ hỗ trợ, hậu thuẫn, ưu đãi những nhóm sản phẩm đó để các hãng xe, các nhà cung ứng, thậm chí các nhà khởi nghiệp cũng nhìn thấy cơ hội trong kế sách của Nhà nước.
"Do đó cần điều chỉnh đồng bộ các loại thuế, phí và lệ phí liên quan đến sản xuất, tiêu thụ, xuất và nhập khẩu ô tô; ổn định các chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan đến ô tô với lộ trình ổn định trong vòng 10 năm", ông Đồng góp ý.
Nội địa hóa thấp, công nghiệp phụ trợ yếu
Xuyên suốt trong các bản Quy hoạch chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam từ trước tới nay, mục tiêu hàng đầu luôn là tăng giá trị sản xuất trong nước. Tuy nhiên, do không được hỗ trợ về vốn vay và nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp đã dẫn đến sự đổ vỡ của những hãng xe một thời được kỳ vọng như Vinaxuki, Hòa Bình VMC hay Vinamotor…
Bên cạnh đó, các liên doanh nước ngoài (FDI) dù nhận nhiều ưu đãi nhưng gần như không thực hiện được cam kết nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Đến nay, tỷ lệ nội địa hóa với xe đến 9 chỗ hiện chỉ đạt 12-14% (mục tiêu đến năm 2020 đạt 30-40%). Hay sản lượng xuất khẩu năm 2021 chỉ đạt khoảng 1.000 xe, kém 4.000 xe so với mục tiêu năm 2020. Tại Việt Nam hiện nay, ngoài Thaco, VinFast hay Hyundai Thành Công… các doanh nghiệp lắp ráp hầu hết là doanh nghiệp FDI như Toyota, Ford hay Honda và đang có xu hướng chuyển sang nhập khẩu.
Theo ông Vũ Tấn Công, công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô chưa phát triển là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), năng lực cạnh tranh, tổ chức quản lý, trình độ công nghệ của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia hoặc các doanh nghiệp đầu chuỗi.
Bên cạnh đó, quy mô thị trường ô tô tại Việt Nam vẫn bị đánh giá khiêm tốn so với các nước và tăng trưởng chậm hơn so với dự báo.
Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy, khi thu nhập bình quân đầu người vượt mức 3.000 USD thì ô tô sẽ bùng nổ. Nhưng đến nay, thị trường ô tô Việt Nam vẫn tăng trưởng chậm, thậm chí đi xuống và chưa có dấu hiệu bùng nổ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, kinh nghiệm thế giới là vậy nhưng cũng phải tính đến chi phí sở hữu xe có phù hợp hay không.
Ở Việt Nam, thu nhập đầu người rõ ràng đã vượt con số 3.000 USD nhưng giá ô tô vẫn cao hơn khá nhiều nơi trên thế giới, nằm ở top đầu trong khu vực, trên cả Thái Lan và Indonesia, chỉ dưới Singapore.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận