Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn (VP luật Tinh Hoa Việt, đoàn Luật sư Hà Nội), xe điện là sản phẩm mới ở Việt Nam, sự xuất hiện của xe điện phái sinh thêm một mô hình kinh doanh mới - mua xe nhưng thuê pin, mô hình chưa từng có ở Việt Nam.
Phương án thuê pin giúp giảm chi phí ban đầu cho người mua nhưng trách nhiệm của chủ xe với pin không giảm đi khi sử dụng một chiếc xe thuê pin.
"Bởi vậy, khối pin và rủi ro đi kèm có được bảo hiểm hay không phụ thuộc việc chủ xe có mua bảo hiểm cho pin hay không?", luật sư Sơn phân tích.
Trên thực tế, một số công ty bảo hiểm đã triển khai nghiệp vụ bảo hiểm xe điện, nhưng tách rời việc bảo hiểm pin riêng với thân vỏ xe với các điều khoản cụ thể, ghi trong phụ lục hợp đồng.
Đồng thời, một số đơn vị bảo hiểm đã ban hành quy tắc cho nghiệp vụ này, trong đó việc loại trừ trách nhiệm bồi thường (từ chối bảo hiểm) đối với tổn thất pin và cách sử dụng, do các nguyên nhân sau:
Pin sử dụng cho xe khác; Pin dùng để cầm cố - thế chấp sẽ bị loại trừ bảo hiểm. Khách hàng tự ý thải bỏ pin cũng bị từ chối bảo hiểm.
Ngoài ra, pin bị hỏng/lỗi do nguyên nhân từ nhà sản xuất, hoặc do lỗi bất cẩn của bên cho thuê và người sử dụng pin, hoặc khi tổng dung lượng pin tối đa (SOH) dưới 70%.
Lưu ý, khách hàng sử dụng thiết bị sạc hoặc trạm sạc không do VinFast cung cấp, không nằm trong danh mục thiết bị phù hợp do VinFast công bố, cũng bị loại trừ bảo hiểm.
Đặc biệt, khi dung lượng pin còn thấp hơn 5% (dung lượng hiển thị màu đỏ trên màn hình) nhưng khách hàng không sạc ngay lập tức, gây hư hỏng pin cũng bị loại trừ bảo hiểm.
Ngoài ra, bộ dây sạc/dây cáp hoặc đầu nối điện cao áp (là thiết bị tách rời khỏi xe), cũng không được bảo hiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận