Bình tĩnh, không nên nổi nóng
Va chạm giao thông là điều xảy ra rất thường xuyên, nhưng nếu tài xế xử lý không đúng cách có thể dẫn tới những hậu quả còn lớn hơn, không chỉ dừng lại ở việc hư hỏng phương tiện.
Một luật sư chia sẻ, để là người hành xử văn minh khi có va chạm giao thông thì đầu tiên cần giữ kiềm chế, không tỏ thái độ tiêu cực, hạn chế lời ăn tiếng nói khiến tăng thêm hiềm khích đôi bên.
Tiếp đến, cần kiểm tra những thiệt hại từ vụ va chạm. Trong trường hợp không có quá nhiều thiệt hại xảy ra thì đôi bên có thể thương lượng giải quyết tại chỗ. Nên giải quyết nhanh rồi tiếp tục tham gia giao thông để tránh gây ùn tắc.
Trong trường hợp có thiệt hại lớn về tài sản hoặc tính mạng thì nên giữ nguyên hiện trường vụ va chạm. Không xê dịch, thay đổi vị trí các phương tiện và thông báo cho cơ quan công an gần nhất đến giải quyết, đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để đảm bảo sức khỏe, tính mạng.
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm từng đưa ra lời khuyên để ứng xử với những trường hợp nguy hiểm sau khi xảy ra va chạm giao thông: "Trong trường hợp này, tài xế cần giữ được bình tĩnh, lắng nghe người bị va chạm và nói chuyện với thái độ chăm chú, cầu thị.
Nếu nhận thấy người bị va chạm không bị thương, xe không hư hỏng nặng, có thái độ hung hăng, tài xế không nên tiến đến hiện trường nơi va chạm mà hãy giữ khoảng cách an toàn. Khi phần lỗi rõ ràng thuộc về mình, cần nhẹ nhàng xin lỗi, nếu họ yêu cầu bồi thường, chấp nhận thương lượng bồi thường hợp lý.
Trong trường hợp họ đòi bồi thường quá cao, vô lý, có biểu hiện ăn vạ, đám đông gây áp lực, tài xế cần phải tạo cớ trì hoãn để nhờ sự trợ giúp của cơ quan chức năng. Nhưng khi lỗi thuộc về người kia, sau khi để họ nói xong, tài xế cần nhẹ nhàng phân tích dựa trên cơ sở luật giao thông. Nếu họ nhận thức được mới tính đến việc bồi thường.
Khi xảy ra va chạm giao thông, dù có lỗi cũng không nên bỏ chạy mà cần nhẹ nhàng xin lỗi, thương lượng bồi thường. Trong trường hợp xe gây tai nạn bỏ chạy, hãy ghi lại đặc điểm của chiếc xe và báo với cơ quan công an gần nhất để được xử lý, không liều lĩnh đuổi theo".
Xử lý thiệt hại vật chất ra sao?
Anh M.L (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, vừa gặp tai nạn ngay sáng sớm mồng 1 Tết vừa qua, khi vừa đưa cả gia đình đi xem pháo hoa về. Theo anh L, do đường đông, di chuyển ở tốc độ thấp, bất ngờ bị xe phía sau đâm vào khiến chiếc xe của anh bị hư hỏng phần đuôi xe.
"Dù đúng sáng mồng 1 nhưng tai nạn là điều không ai mong muốn. Bởi vậy, để giải quyết nhanh và không gây ùn tắc giao thông thêm, mình có lấy số điện thoại của chủ xe gây tai nạn để ra Tết sẽ liên hệ giải quyết, khắc phục. Xe mình cũng có camera sau, ghi lại hình ảnh xe gây tai nạn nên nếu không liên hệ được sẽ nhờ cơ quan chức năng giải quyết", anh L nói thêm.
Như vậy, trong trường hợp va chạm nhẹ, có thể thương lượng bồi thường nhanh thì hoàn toàn có thể xử lý lập tức. Tuy nhiên với những trường hợp thiệt hại nặng hơn, chủ xe có thể sử dụng tới bảo hiểm.
Giám đốc một đại lý bảo hiểm chia sẻ, trong trường hợp là ô tô, nếu xảy ra va chạm giữa hai xe với nhau nên bình tĩnh giải quyết, sử dụng bảo hiểm TNDS bắt buộc để xử lý. Còn nếu có bảo hiểm vật chất khi tự va chạm do lỗi của mình, không ảnh hưởng đến phương tiện khác có thể sử dụng.
"Dịp Tết, các công ty bảo hiểm đều có người trực tổng đài, giám định bồi thường. Vì vậy khi xảy ra tai nạn, điều đầu tiên chủ xe cần làm là liên hệ ngay với số hotline của công ty bảo hiểm đang sử dụng để thông báo và làm theo hướng dẫn", giám đốc đại lý bảo hiểm nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận