Vì sao bị từ chối bảo hành khi bảo dưỡng ở ngoài?
Trong quá trình vận hành ô tô cần phải thay thế phụ tùng, phụ gia để đảm bảo khả năng vận hành tốt. Chính vì vậy, việc nhà sản xuất yêu cầu khách hàng tuân thủ quá trình bảo dưỡng chính hãng nhằm kiểm soát chất lượng phụ tùng và phụ gia.
Việc sử dụng dịch vụ bảo dưỡng không chính hãng sẽ tiềm ẩn nguy cơ khách hàng thay thế phụ tùng, phụ gia không chính hãng hoặc không đúng thông số kỹ thuật theo yêu cầu của nhà sản xuất.
Theo anh Văn Tiệp, chuyên viên kỹ thuật của Toyota, trong quá trình vận hành, việc bảo dưỡng định kỳ thay thế dầu động cơ là rất quan trọng. Vì khi động cơ hoạt động, dầu bôi trơn sẽ bị lão hóa theo thời gian cũng như bị lẫn những tạp chất xấu.
Nếu thay không đúng loại hoặc không thay dầu động cơ định kỳ sẽ dẫn tới những hư hỏng nghiêm trọng.
"Không chỉ riêng động cơ, các tổng thành và bộ phận của xe đều hoạt động chặt chẽ và cần được bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo trạng thái hoạt động tốt nhất. Khi một bộ phận gặp hư hỏng có thể gây ảnh hưởng tới cả quá trình vận hành xe", anh Tiệp cho biết.
Không chỉ chất lượng phụ tùng mà quy trình thực hiện cũng góp phần ảnh hưởng tới chất lượng vận hành xe. Thực hiện sai quy trình bảo dưỡng có thể gây hư hỏng cho các bộ phận trên ô tô.
Việc khách hàng thực hiện quá trình bảo dưỡng không chính hãng sẽ khiến nhà sản xuất không kiểm soát được chất lượng phụ tùng, cũng như quy trình thực hiện bảo dưỡng. Từ đó, khi phát sinh những hư hỏng, hãng xe có quyền từ chối bảo hành.
Những trường hợp bị từ chối bảo hành
Thông thường sẽ có bốn trường hợp bị nhà sản xuất từ chối bảo hành. Đầu tiên là trường hợp khách hàng sử dụng phương tiện không đúng mục đích nhà sản xuất đặt ra. Ví dụ, dùng xe sedan, hatchback vào những mục đích như xe đua, off-road hoặc chở quá mức trọng tải cho phép,...
Ngoài ra, những chiếc xe hư hỏng do tham gia đua xe, biểu tình, khủng bố… cũng bị hãng từ chối bảo hành.
Khi gặp những yếu tố bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, nạn trộm cắp vặt, tai nạn, ô tô thường bị hãng từ chối bảo hành.
Ngoài ra, một số hãng xe cũng không bảo hành đối với những chiếc xe có dấu hiệu "tua" công-tơ-mét, ngắt kết nối khiến kỹ thuật viên không xác định được chính xác quãng đường mà xe đã chạy.
Trong quá trình sử dụng, nếu chủ xe thiếu kinh nghiệm chăm sóc, bảo quản hoặc vận chuyển xe không đúng cách, gây ra những hỏng hóc thì những lỗi này sẽ không được bảo hành chính hãng.
Những xe đã thực hiện các dịch vụ bảo dưỡng, lắp đặt thiết bị tại các cơ sở không chính hãng hoặc không bảo dưỡng tại trung tâm sửa chữa của nhà sản xuất xe được ghi rõ trong phiếu bảo hành sẽ bị hãng từ chối bảo hành.
Vì thế, khi mua ô tô mới, chủ xe nên dành thời gian tham khảo kỹ các điều khoản về bảo hành, trao đổi rõ hơn với nhân viên tư vấn về những vấn đề chưa hiểu liên quan đến chính sách bảo hành để tự mình đảm bảo quyền lợi cho quá trình sử dụng sau này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận