Tại hội thảo quốc tế “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh” vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 20/10/2022, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trình bày tham luận về các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường xe điện tại Việt Nam.
Tại nội dung bài tham luận, ông Nguyễn Hoài Nam, Cố vấn năng lượng và An ninh năng lượng (USAID) đã lần đầu tiên đề cập đến khái niệm "dấu chân các-bon".
Ông Nguyễn Hoài Nam - Cố vấn năng lượng và An ninh năng lượng (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID) tham luận tại hội thảo ngày 20/10/2022
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, khái niệm gần đây được truyền thông đề cập là “dấu chân các-bon”, được hiểu là quá trình đánh giá tổng thể mức độ phát thải khí nhà kính toàn vòng đời của một phương tiện xe buýt, từ lúc sản xuất cho đến hết niên hạn sử dụng.
Lấy dẫn chứng từ nghiên cứu của USAID, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thống kê về phát thải khí nhà kính toàn vòng đời, là từ lúc chiếc xe còn là khối kim loại thô cho đến khi vào nhà máy phế liệu.
Theo đó, “dấu chân các-bon” của xe buýt diesel và xe buýt điện tại Việt Nam lần lượt là 150,73 và 108,11, đơn vị tính là gCO2e/pkm (số gam CO2 phát thải trên 1 hành khách và 1 ki-lô-mét vận chuyển).
Tuy nhiên, so với xe buýt điện Bắc Âu thì “dấu chân các-bon” của xe buýt điện tại Việt Nam vẫn đậm hơn, do nguồn phát điện tại Việt Nam chưa xanh như nguồn điện ở Bắc Âu, họ chủ yếu dùng năng lượng tái tạo.
Bảng so sánh mức phát thải khí nhà kính giữa xe buýt điện và xe buýt diesel của USAID
Chuyên gia Nguyễn Hoài Nam cũng khẳng định “dấu chân các-bon” của xe buýt điện so với xe buýt diesel là sạch hơn, tuy nhiên cần cải thiện về nguồn phát điện của Việt Nam phải xanh hơn nữa.
Về mức giá phải trả để đổi lấy phương tiện xanh hơn sạch hơn, ông Thái Hồ Phương - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội bày tỏ: “Chúng tôi kiến nghị có cách nào kéo giá phương tiện xuống không, vì giá phương tiện công cộng chạy điện hiện nay rất đắt. Như xe buýt điện VinBus giá tầm 7 tỷ đồng, đắt gấp 2 đến 2,5 lần giá phương tiện diesel. Trong khi đó, hạn mức kinh phí địa phương và Chính phủ duyệt chỉ ở mức nhất định, không thể mua sắm thoải mái các loại xe xanh về chạy”
“Hà Nội đề xuất quá trình thực hiện và thay thế phương tiện công cộng là 10 năm, từ năm 2025 đến 2035 nhằm đảm bảo thực hiện quyết định 876 của Thủ tướng, tránh lãng phí đầu tư phương tiện, vì đến năm 2025 rất nhiều xe buýt chạy diesel sẽ phải thay thế”, ông Thái Hồ Phương nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận