Bước đi thăm dò thị trường Đông Nam Á
Mang 3 mẫu xe điện tham dự triển lãm Future Mobility Asia 2023 diễn ra từ ngày 17 - 19/5 tại Bangkok (Thái Lan), lần đầu tiên VinFast công bố định hướng mở rộng sang thị trường xe điện Đông Nam Á.
Gian trưng bày của VinFast tại Future Mobility Asia 2023 đang diễn ra ở Bangkok (Thái Lan)
Theo giới phân tích, với dân số trên 650 triệu người, quy mô GDP khoảng 3.000 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới, ASEAN là thị trường nhiều tiềm năng cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Riêng lĩnh vực ô tô, Việt Nam đang nhập siêu từ 2 nước Đông Nam Á là Thái Lan và Indonesia.
Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng xe nhập khẩu năm 2022 đạt 176.590 xe với tổng kim ngạch 3,87 tỷ USD, tăng 10,5% về lượng và 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Các quốc gia Thái Lan và Indonesia đã tận dụng hiệu quả chính sách miễn thuế nhập khẩu ô tô nội khối, theo hiệp định hàng hóa ATIGA.
Hiệp định này quy định điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (gọi tắt là hưởng thuế suất ATIGA), xe ô tô phải đáp ứng đủ các điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa (trên 40%), đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa của ATIGA sẽ được hưởng thuế suất 0%.
Trong giai đoạn 2018 - 2022, việc thực thi hiệp định hàng hóa ATIGA đã mở đường cho nhiều loại ô tô từ Thái Lan và Indonesia tràn vào Việt Nam, chiếm tỷ lệ từ 30 - 35% tổng sản lượng ô tô tiêu thụ mỗi năm.
Ở chiều ngược lại, 5 năm qua mới có duy nhất tập đoàn Thaco của Việt Nam xuất khẩu ô tô hiệu Kia sang Myanmar năm 2020 với số lượng không đáng kể.
Các nhà sản xuất ô tô khác tại Việt Nam như Ford, Hyundai, Toyota… chưa thể xuất khẩu ô tô sang ASEAN, chủ yếu do cách thức phân công lao động của hãng mẹ ở nước ngoài, liên quan đến chi phí và chuỗi cung ứng phụ trợ.
Dây chuyền lắp ráp xe điện VinFast VF8 tại nhà máy Hải Phòng. Ảnh: Lam Anh
Hưởng lợi kép từ ATIGA và ưu đãi xe điện
Một chuyên viên Bộ Tài chính cho hay, các yếu tố lợi thế của xe điện VinFast để hưởng lợi từ ATIGA có thể kể đến:
Thứ nhất là tỷ lệ nội địa hóa của VinFast. Theo công bố của VinFast từ năm 2021, tỷ lệ nội địa hóa xe điện VFe34 đã đạt con số 60%.
Thứ hai là tại ASEAN, việc đầu tư sản xuất lắp ráp xe điện tính đến thời điểm này, mới có 2 nhà máy. Một là nhà máy của Trường Thành Ô tô Trung Quốc đặt tại Thái Lan (sản phẩm trình làng là mẫu xe Ora Good Cat) và một nhà máy của Hyundai đặt tại Indonesia (sản phẩm là chiếc Hyundai Ioniq5, sản lượng 150 nghìn xe/năm).
Thứ ba là kinh nghiệm tích lũy của VinFast sau 3 năm triển khai mạng lưới trạm sạc, với chi phí đến nay khoảng 700 triệu USD.
Bởi thế, việc xuất khẩu xe điện thời điểm này, VinFast có thể hưởng lợi kép từ thuế suất ATIGA cũng như hưởng thêm các ưu đãi riêng của chính phủ từng nước ASEAN đối với xe điện.
Theo một số nhận định, việc VinFast bán được xe vào Mỹ sẽ là “chìa khóa” để hãng xe thuần Việt xuất khẩu ô tô điện sang các nước Đông Nam Á một cách bài bản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận