Ngày 12/6, thông tin ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) bị bắt được báo chí đăng tải từ đầu giờ sáng, trước thời điểm thị trường chứng khoán mở cửa.
Sau phiên giao dịch ngày 12/6, giá cổ phiếu của VEAM (mã VEA, sàn UpCOM) rơi từ 47.500 đồng xuống 46.200 đồng (-2,53%).
Tổng giá trị vốn hóa của VEAM, từ 62.943 tỷ đồng xuống 61.390 tỷ đồng, “bốc hơi” 1.553 tỷ đồng sau khi kết phiên giao dịch 12/6.
Trong cả phiên giao dịch, có thời điểm cổ phiếu VEA xuống mức 44.600 đồng/CP, tại thời điểm đó vốn hóa của VEAM giảm gần 2.000 tỷ đồng, nhưng cuối phiên nhích lên, đóng cửa tại giá 46.200 đồng/CP.
VEAM thông qua các công ty con, nắm giữ 30% vốn điều lệ tại Honda Việt Nam, 20% vốn điều lệ tại Toyota Việt Nam và 25% tại Ford Việt Nam, theo báo cáo tài chính hợp nhất của VEAM công bố hôm 31/1/2024.
Hàng năm, VEAM với tư cách cổ đông lớn đại diện phần vốn của Nhà nước, được chia lợi nhuận từ các liên doanh theo tỷ lệ vốn góp chủ sở hữu.
Cụ thể, năm 2023 VEAM được chia 5.844 tỷ đồng từ Honda Việt Nam, 660 tỷ đồng từ Toyota Việt Nam và 303 tỷ đồng từ Ford Việt Nam.
Tổng lợi nhuận được chia từ ba liên doanh này năm ngoái (6.807 tỷ đồng), cao hơn lợi nhuận được chia năm 2022 (5.326 tỷ đồng).
Ba năm qua, hoạt động sản xuất của VEAM mắc kẹt ở một vài dự án, khiến báo cáo tài chính thường niên không được chấp thuận toàn phần, đơn vị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp.
Đó là nguyên nhân khiến từ ngày 11/4/2023 cổ phiếu của VEAM (mã VEA) bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào diện cảnh báo.
Điều này tạo nên nghịch lý, doanh nghiệp Nhà nước đang niêm yết có mức vốn hóa lớn (hơn 2 tỷ USD), lợi nhuận hàng năm rất cao (từ 6.000 - 7.000 tỷ đồng), nhưng cổ phiếu lại trong diện cảnh báo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận