Được chia lợi nhuận hơn 6.800 tỷ đồng
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) thông qua các công ty con, hiện nắm giữ 30% vốn điều lệ tại Honda Việt Nam, 20% vốn điều lệ tại Toyota Việt Nam và 25% tại Ford Việt Nam, theo báo cáo tài chính hợp nhất của VEAM công bố hôm 31/1/2024.
Tính đến cuối năm 2023, giá trị phần vốn chủ sở hữu của VEAM trong các hãng xe nói trên lần lượt là 4.280 tỷ đồng (tại Honda Việt Nam), 545 tỷ đồng (tại Toyota Việt Nam) và 374 tỷ đồng (tại Ford Việt Nam).
Hàng năm, VEAM với tư cách cổ đông lớn đại diện phần vốn của Nhà nước, được chia lợi nhuận từ các liên doanh theo tỷ lệ vốn góp chủ sở hữu.
Cụ thể, năm 2023 VEAM được chia 5.844 tỷ đồng từ Honda Việt Nam, 660 tỷ đồng từ Toyota Việt Nam và 303 tỷ đồng từ Ford Việt Nam.
Tổng lợi nhuận được chia từ ba liên doanh này năm ngoái (6.807 tỷ đồng), cao hơn lợi nhuận được chia năm 2022 (5.326 tỷ đồng), bất chấp năm 2023 thị trường ô tô xe máy suy giảm mạnh.
Trong tổng số 13 công ty con và 8 công ty liên doanh liên kết có vốn đầu tư của VEAM, lợi nhuận được chia từ 3 liên doanh hàng đầu nói trên chiếm đến 98% tổng lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh và đầu tư, chưa kể lãi từ tiền gửi ngân hàng.
Bộ Công thương với vai trò cổ đông Nhà nước (chiếm 88,5% vốn điều lệ VEAM) nhận về xấp xỉ 4.900 tỷ đồng lợi nhuận năm 2023, phần lớn từ các liên doanh ô tô xe máy.
VEAM đang gửi tiền mặt lấy lãi ở những ngân hàng nào?
Năm 2023, VEAM còn có thêm khoản lãi 1.194 tỷ đồng từ tiền gửi ngân hàng, bình quân mỗi tháng công ty nhận tiền lãi ngân hàng xấp xỉ 100 tỷ đồng.
Khoản lãi tiền gửi đến từ số tiền 12.912 tỷ đồng được gửi có kỳ hạn tại nhiều ngân hàng trong nước.
Cụ thể, VEAM gửi tiền ở BIDV số tiền 5.471 tỷ đồng, gửi Vietinbank 1.955 tỷ đồng, gửi Agribank 1.089 tỷ đồng, gửi SeABank 2.010 tỷ đồng và gửi ở các ngân hàng khác 2.386 tỷ đồng.
Về thực lực sản xuất kinh doanh, năm 2023 VEAM đạt doanh thu 3.556 tỷ đồng, chi phí giá vốn 3.010 tỷ đồng, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 242 tỷ đồng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng đến thời điểm này, nên coi VEAM là nhà đầu tư hơn là nhà sản xuất công nghiệp ô tô, bởi nhiều năm liền hoạt động tài chính là điểm sáng duy nhất trong bức tranh tổng thể sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.
Ba năm qua, hoạt động sản xuất của VEAM mắc kẹt ở một vài dự án, khiến báo cáo tài chính thường niên không được chấp thuận toàn phần, bị đơn vị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp.
Đó là nguyên nhân khiến từ ngày 11/4/2023 cổ phiếu của VEAM (mã VEA) bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào diện cảnh báo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận