Mục tiêu thanh lý lô xe tải VEAM Thanh Hóa
Báo cáo tài chính công bố ngày 30/7 của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) phản ánh bức tranh lợi nhuận sáng sủa của doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Công thương.
Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 1.569 tỷ đồng, giảm 10%, doanh thu ước đạt 2.067 tỷ đồng giảm 7%, lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.569,3 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 94% kế hoạch năm.
Đặc biệt, riêng công ty mẹ lợi nhuận sau thuế ước đạt 5.361,7 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch năm.
Mặc dù doanh thu giảm, nhưng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng đột biến và gần đạt 100% kế hoạch năm.
Lý do là trong chu kỳ báo cáo tài chính đã lập, VEAM được nhận khoản chia cổ tức 5.563 tỷ đồng từ ba liên doanh chủ chốt, với Toyota, Honda và Ford.
Vào ngày 31/3 hàng năm, kết thúc năm tài chính theo niên độ kế toán Nhật Bản, các liên doanh tổng kết lợi nhuận và chia cổ tức thường niên cho các cổ đông phía Việt Nam, do VEAM đại diện chủ sở hữu.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, VEAM đặt mục tiêu thanh lý xe tồn kho nhãn hiệu VEAM Motor, Changan cũng như máy kéo ISEKI cần có phương án, biện pháp tổng thể để giải quyết dứt điểm trong thời gian sớm.
Lô xe tồn kho tại nhà máy VEAM Thanh Hóa đã qua 4 lần thanh lý thông qua hình thức bán đấu giá suốt từ năm 2021 đến nay, nhưng không thành.
Hôm 12/6, ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM bị bắt do sai phạm về quản lý tài chính; sự kiện khiến thị giá cổ phiếu VEAM trên sàn chứng khoán “bốc hơi” 1.553 tỷ đồng ngay trong phiên giao dịch cùng ngày.
Ngày 20/6, HĐQT VEAM sau khi kiện toàn 4 ủy viên mới, đã bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Giang (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Công thương) làm tân Tổng giám đốc VEAM nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Công ty con sản xuất phụ tùng xe máy thu lãi đều đặn
Trong mảng sản xuất công nghiệp của VEAM, nhóm 4 công ty con gồm: DISOCO, SVEAM, FUTU1 và FOMECO là những công ty có doanh thu lớn nhất, đóng góp đến 82% doanh thu sản xuất công nghiệp của VEAM.
Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (FUTU1) là đơn vị chuyên sản xuất chi tiết cơ khí trong động cơ xe máy cho các khách hàng lớn như Honda, Yamaha, Piaggio, SYM…
Hiện VEAM vẫn nắm quyền chi phối tại FUTU1 với tỷ lệ vốn góp chiếm 55% vốn điều lệ của công ty con chuyên sản xuất chi tiết phụ tùng động cơ xe máy.
Trong 5 năm gần nhất, FUTU1 đạt doanh thu bình quân 881 tỷ đồng/năm; lãi ròng hơn 55 tỷ đồng mỗi năm, mức lãi cao nhất đạt 76 tỷ đồng năm 2022.
Bởi vậy, hàng năm FUTU1 vẫn chi trả cổ tức cho cổ đông, trong đó VEAM với tư cách cổ đông lớn, nhận hàng chục tỷ đồng cổ tức từ FUTU1.
Một đơn vị khác, Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp miền Nam (SVEAM) cũng là công ty con hoạt động hiệu quả trong số hàng chục đơn vị thành viên của VEAM.
Lãnh đạo SVEAM nhận định, hiện sản phẩm động cơ diesel ngày càng sụt giảm, đây là xu thế chung, do vậy SVEAM đang phát triển động cơ điện, hy vọng cuối năm 2024 sẽ chính thức ra mắt sản phẩm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận