Nhóm công bố định kỳ đều đặn
Nhiều năm qua, báo cáo doanh số của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) được phát hành định kỳ hàng tháng, tổng hợp số liệu gồm doanh số từng hãng phân theo nhãn hiệu, kiểu loại xe chia theo mục đích sử dụng.
Báo cáo VAMA là một trong những tài liệu được giới truyền thông và các cơ quan hữu quan quan tâm đón đợi, số lượng đầu mối nhận thông tin khoảng 400 địa chỉ email nhận mỗi tháng.
Theo tra cứu thống kê của PV Báo Giao thông, các hội viên công bố số liệu đều đặn gồm Toyota, Honda, Suzuki, Mitsubishi, Isuzu, Hino, Thaco, Ford, Samco, Vinamotor, Veam, Đô Thành, Daewoo Bus.
Theo thống kê, Thaco là nhà sản xuất và phân phối sở hữu nhiều nhãn hiệu nhất gồm Mazda, Kia, Peugeot, BMW và Mini (xe du lịch) Thaco tải và Thaco buýt (xe thương mại).
Bởi thế, danh mục sản phẩm của Thaco lớn nhất, gồm 29 mẫu xe khác nhau. Trong khi Đô Thành là hãng xe hội viên chỉ có duy nhất sản phẩm xe tải nhẹ lắp ráp nhãn hiệu Hyundai Mighty.
VinFast trở thành hội viên VAMA vào năm 2019, trên cơ sở kế thừa quyền và nghĩa vụ của GM, hãng xe rút khỏi thị trường Việt Nam từ 2019.
Từ 2019 đến tháng 7/2023, VinFast cũng công bố số liệu nhưng ở dạng độc lập, tách rời khỏi bảng tổng hợp của ban thư ký VAMA.
Bắt đầu từ tháng 8 trở đi, VinFast chỉ công bố số liệu mỗi quý một lần, theo chuẩn mực chung của hãng xe kinh doanh toàn cầu niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Nhóm không công bố số liệu
Trong VAMA có những hội viên không công bố doanh số bán hàng, như Mercedes-Benz Việt Nam, Mekong Auto và TCIE Việt Nam.
TCIEV từng là nhà sản xuất và phân phối xe Nissan tại Việt Nam, Mekong Auto từng lắp ráp xe buýt IVECO, xe du lịch Fiat của Ý và phân phối xe SsangYong Hàn Quốc.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, các hãng xe Đức nói chung không tiết lộ doanh số theo lãnh thổ quốc gia, mà chỉ công bố doanh số hàng quý theo khu vực địa lý rộng hơn, gồm nhiều quốc gia gần nhau.
TCIE Việt Nam là một công ty liên doanh có 74% vốn góp bởi Tập đoàn Tan Chong, sở hữu một nhà máy lắp ráp ô tô Nissan tại Đà Nẵng, bởi vậy TCIEV hiện vẫn giữ suất hội viên VAMA.
Tuy nhiên, từ 1/10/2020 thương quyền phân phối xe Nissan tại Việt Nam đã được trao cho Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Ô tô Việt Nam (VAD). VAD không phải hội viên VAMA và cũng không tiết lộ số xe Nissan bán được.
Bởi vậy, bảng thống kê doanh số hàng tháng của VAMA lập vẫn có tên TCIEV với hai mẫu xe được liệt kê (Nissan Sunny và Nissan X-Trail), nhưng suốt ba năm qua không có số liệu.
Trường hợp tương tự là Mekong Auto, công ty liên doanh góp vốn bởi Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM) và hai doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Nhật Bản.
Mekong Auto có hơn 30 năm kinh nghiệm, từng lắp ráp xe hiệu IVECO, Fiat (Ý) và SsangYong Motor (Hàn Quốc), gần đây công ty chỉ còn lắp ráp xe tải nhẹ 1 tấn nhãn hiệu Changan của Trung Quốc, nhưng cũng không có số liệu để công bố.
Theo các chuyên gia, hiện dữ liệu ngành ô tô Việt Nam không đầy đủ, do ngoài VAMA còn có 12 nhà nhập khẩu phân phối xe sang và 10 nhà nhập khẩu xe tải Trung Quốc hoàn toàn không chia sẻ thông tin bán hàng.
Một số nhà sản xuất lớn như Hyundai Thành Công, TMT, Trường Long dù không phải hội viên VAMA và họ lại công bố số liệu theo kênh riêng. Do đó muốn có một bức tranh toàn diện về thị trường ô tô Việt Nam luôn là một thách thức với những ai quan tâm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận